Chủ Nhật, 24/11/2024
Hà Nội: Gắn thực hiện Quy chế dân chủ với nhiệm vụ trọng tâm

6 tháng đầu năm 2021, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp của thành phố đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới. Công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân…

Trong đó, Mặt trận các cấp thành phố đã triển khai giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, Mặt trận các cấp đã chủ trì giám sát 793 cuộc, phối hợp giám sát 1.276 cuộc, qua đó kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết 1.382/1.441 kiến nghị của cử tri; tổ chức 197 hội nghị phản biện xã hội, gửi 474 văn bản góp ý phản biện xã hội; đóng góp 2.145 ý kiến trực tiếp thông qua các hội nghị góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố, đã có 439/529 kiến nghị, đề xuất của nhân dân được tiếp thu, giải quyết.

Thiếu tướng Phùng Đình Thảo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội cho biết, cùng với việc giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại địa phương, Hội Cựu chiến binh thành phố đã vận động 23.806 hội viên tham gia vào các tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố ở cơ sở; lựa chọn giới thiệu cán bộ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong khi đó, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tập trung tham gia góp ý, phản biện xã hội các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Hội Nông dân thành phố duy trì hoạt động Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, tích cực tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập trung vào trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của nông dân…

Bà Nguyễn Thị Minh ở phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa cho biết, thông qua hội nghị đối thoại, nhiều băn khoăn, vướng mắc của người dân đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, giải quyết. Còn bà Bùi Thị Hảo ở phố Ngọc Lâm, quận Long Biên đánh giá cao vai trò của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho các hội viên…

Đánh giá những kết quả đạt được trong việc xây dựng và triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố 6 tháng vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội ghi nhận, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã làm tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội...

Tuy vậy vẫn còn một số hạn chế. Đó là tình trạng một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa coi đó là mục tiêu, cơ sở để xây dựng và đoàn kết nội bộ; một số nơi nắm tình hình nhân dân còn chưa kịp thời… Vì vậy, 6 tháng cuối năm 2021, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong mọi lĩnh vực; quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và chủ đề công tác năm 2021: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trong đó, phải gắn Quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện “mục tiêu kép”, đặc biệt là việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, qua đó phát huy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”…

(hanoimoi.com.vn)


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất