Thứ Ba, 24/12/2024
Hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn ở tỉnh Nam Định
 
Cán bộ thôn Trung Thứ, xã Yên Tiến (Ý Yên) bàn bạc việc chăm sóc, chỉnh trang tuyến đường trục thôn 


Hàng năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng chương trình hoạt động, triển khai tới từng loại hình cơ sở; có kế hoạch kiểm tra, rà soát cụ thể. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn bám sát và thực hiện nghiêm túc các quy định của QCDC, thường xuyên coi trọng, gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do tỉnh, huyện phát động. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, phường, thị trấn chú trọng thực hiện công khai, minh bạch các nội dung được quy định trong QCDC như: Các dự án, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, chương trình xây dựng NTM, các chính sách hỗ trợ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, vay vốn phát triển sản xuất, quyết toán ngân sách, cấp thẻ bảo hiểm y tế; đối tượng, mức thu các loại quỹ, các khoản phí, lệ phí, thủ tục hành chính... Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để tăng cường trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, cả 226 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Thực hiện Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND ngày 9/4/2020 của UBND tỉnh về việc “Ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và phân loại thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định” đến nay, toàn tỉnh có 3.406 thôn, xóm, tổ dân phố; 3.129 tổ công tác mặt trận, đã tổ chức cho nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng hương ước, quy ước ở các khu dân cư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiện toàn, tạo điều kiện cho Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hoà giải ở cơ sở hoạt động. Hiện nay, toàn tỉnh đã kiện toàn 226/226 Ban thanh tra nhân dân; 3.344 tổ hòa giải ở cơ sở và thành lập 222/226 Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hoà giải ở các xã, phường, thị trấn thường xuyên phối hợp với chính quyền giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở; tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí; chủ động giám sát xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương.

Thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ chính trị (khóa XI) về “Ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị quy định về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 186/226 xã xây dựng quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy với nhân dân (đạt tỷ lệ 82,30%). Các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở luôn coi trọng ý kiến đề xuất, kiến nghị của người dân tại các buổi đối thoại trực tiếp với chính quyền. Thông qua đối thoại với nhân dân, chính quyền nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong nhân dân để kịp thời tiếp thu, giải trình, giải quyết đồng thời kiến nghị lên cấp trên theo quy định; thường xuyên tiếp thu ý kiến tham gia của người dân đóng góp xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định, hương ước, quy ước của địa phương và các khu dân cư…

Từ việc đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở đã phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc, thực hiện những công việc của địa phương. Dẫn chúng tôi tham quan diện mạo NTM kiểu mẫu của thôn, đồng chí Lã Đình Vinh, trưởng thôn Trung Thứ, xã Yên Tiến (Ý Yên) cho biết: Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng NTM kiểu mẫu, ngay từ đầu năm 2020, thôn đã tổ chức họp để thảo luận, xác định các phần việc phải thực hiện và lấy ý kiến về mức phí đóng góp mở rộng, nâng cấp đường giao thông; dựng cột đèn chiếu sáng; nâng cấp nhà văn hóa; dụng cụ xử lý rác thải… Trong quá trình xây dựng, người dân được trực tiếp giám sát và theo dõi, mọi khoản thu chi được công khai, minh bạch và ghi chép cẩn thận, niêm yết tại nhà văn hoá thôn, từ đó tạo sự đồng thuận cao của người dân. Vì vậy, sau một thời gian ngắn thực hiện, thôn đã nâng cấp cứng hóa toàn bộ đường trục xóm và 17 tuyến đường dong, ngõ xóm, 6 tuyến đường trục chính nội đồng đạt chuẩn theo quy định; lắp đặt gần 60 cột đèn chiếu sáng ở các trục đường thôn; mua sắm đầy đủ các trang thiết bị và công trình phụ trợ nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng trong đó nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp gần 2,1 tỷ đồng. Hiện  thôn Trung Thứ có 71% người dân tham gia hội họp, hoạt động văn hóa văn nghệ và các hoạt động khác tại nhà văn hóa; trên 70% hộ dân thực hiện phân loại xử lý rác thải hữu cơ. 

Thực tế cho thấy việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân được các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thực hiện nền nếp, nhất là trong chương trình xây dựng NTM đã tạo sự đồng thuận, thu hút được nguồn lực to lớn của nhân dân. Từ năm 2016 đến năm 2020, kinh phí huy động trong nhân dân để thực hiện chương trình xây dựng NTM là 10.518 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 61,7% tổng số kinh phí xây dựng NTM toàn tỉnh. Năm 2019, tỉnh Nam Định được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Với việc triển khai hiệu quả QCDC ở xã, phường, thị trấn, tính công khai, dân chủ ngày càng thể hiện rõ; qua đó đã tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

(baonamdinh.vn)

Gửi cho bạn bè