Thứ Ba, 24/12/2024
Hoài Nhơn: Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Một góc thị xã Hoài Nhơn

Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 11 phường và 6 xã, có diện tích 420,84 km², dân số năm 2019 là 212.063 người. Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, với kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, Hoài Nhơn đã thay da đổi thịt, trở thành một đô thị mới hứa hẹn nhiều tiềm năng của tỉnh Bình Định. Đầu năm 2021, thị xã Hoài Nhơn long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đạt được những thành công đó có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Quán triệt và thực hiện các quan điểm của Đảng và thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thị xã đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện tốt QCDC ở cả 3 loại hình cơ sở: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11; thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2018/NĐ-CP và nay là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính nhà nước đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được duy trì và thực hiện nghiêm túc. Công tác tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, kết quả giải quyết đạt trên 90%; các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài cơ bản được quan tâm giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng”. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và lấy ý kiến tham gia của nhân dân trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định những nội dung theo quy định như: công tác quy hoạch, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; xây dựng nông thôn mới mới; công khai các loại quỹ và các khoản đóng góp của nhân dân; kết quả bình xét hộ nghèo, cận nghèo; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, khu vực trưởng...

Công tác hòa giải tại cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện; từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở xã, phường hoạt động hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát 192 vụ việc; ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát trên 365 công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn được tỉnh chọn làm một trong 3 địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng điển hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.  

Trên địa bàn thị xã hiện có 28 công ty, doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn và có 10 công ty, doanh nghiệp có tổ chức đảng. Thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, phần lớn các doanh nghiệp trên địa thực hiện tốt việc công khai, thông tin đầy đủtạo điều kiện để người lao động tham gia ý kiến, thực hiện quyền giám sát các nội dung công việc theo quy định. Tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp thường xuyên phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện các quy chế liên quan đến thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp; tham gia bảo vệ quyền lợi của người lao động, thương lượng nhiều điều khoản có lợi cho người lao động trong thỏa ước lao động tập thể như: thang bảng lương, các khoản trợ cấp, giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi khác; bình quân mỗi năm có hơn có trên 81% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động và nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đối thoại với người lao động... Qua đó đã tạo không khí cởi mở, dân chủ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định giữa người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp.

Hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm chú trọng thực hiện gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Trong 5 năm đã thành lập 13 đoàn giám sát tại 49 địa phương, đơn vị; giám sát thông qua ban thanh tra nhân dân gần 200 vụ việc, qua ban giám sát đầu tư của cộng đồng gần 400 công trình, dự án; tổ chức phản biện góp ý đối với báo cáo tiền khả thi Dự án hồ chứa nước Đồng Mít; dự thảo Đề án xây dựng huyện Hoài Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới; dự thảo Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035 và Đề án đề nghị công nhận đô thị Hoài Nhơn đạt chuẩn đô thị loại IV và Chương trình phát triển đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035... Qua đó, đã kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền.

Qua 5 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã tiếp tục được nâng lên; nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả, tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần quan trọng để thị xã Hoài Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018 (vượt kế hoạch 02 năm) và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết thành lập thị xã vào tháng 6/2020, đánh dấu bước phát triển về chất trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa trên quê hương Hoài Nhơn anh hùng. Đặc biệt đầu năm 2021 thị xã Hoài Nhơn vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 
Thị xã Hoài Nhơn long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới 


Từ thực tiễn thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải xác định rõ việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, thực hiện QCDC ở cơ sở phải được cụ thể hóa, xây dựng thành các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ, minh bạch trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp; nêu cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, để nhân dân nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp, để người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, phát huy dân chủ phải luôn gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xử lý nghiêm các tổ chức, cán bộ, đảng viên làm mất dân chủ cơ sở, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt QCDC ở cơ sở; tuyên truyền, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay./.

Minh Lực

Gửi cho bạn bè