Thứ Ba, 24/12/2024
Hoà Bình: Thực hiện Quy chế dân chủ ở cở sở - Động lực phát triển bền vững
 
Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) giải quyết
thủ tục hành chính cho người dân. 
 


Phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi 

Đồng chí Đinh Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: BTV Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, kế hoạch, chỉ thị của T.Ư về QCDC cơ sở. 100% các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, hoạt động đi vào nền nếp, có hiệu quả. 100% cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã đưa nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở thành tiêu chí bình xét thi đua hàng năm đối với tổ chức Đảng và đảng viên. 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và thực hiện tiếp xúc, đối thoại (TX, ĐT) với Nhân dân theo Quyết định số 232-QĐ/TU và Quyết định số 367-QĐ/TU. 100% cơ quan, đơn vị ban hành quy chế, nội quy tiếp công dân; công khai lịch tiếp công dân, công khai số điện thoại tiếp nhận, giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Căn cứ đặc điểm tình hình địa phương, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện, qua đó phát huy dân chủ và quyền tự chủ của nhân dân, tạo đồng thuận cao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã, đang là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác chỉ đạo thành công nhiệm vụ dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT) ở huyện Yên Thủy. Đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết: Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia, chỉ đạo sâu sát, công tâm và có trách nhiệm, thực hiện đúng nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, phát huy nguồn lực, sức sáng tạo của người dân, thực hiện toàn diện phong trào DĐ, ĐT. Tất cả quy trình thực hiện đều được công khai cho người dân được biết, nhất là tổ chức bốc thăm ô, thửa ruộng bảo đảm khách quan, công tâm. Từ thực tiễn đồng ruộng manh mún, trung bình mỗi hộ có từ 3.000 - 5.000 m2 đất trồng cây hàng năm nhưng lại chia thành 8 - 12 thửa đất, cá biệt có hộ tới 30 thửa, khó khăn cho đầu tư sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao, hệ thống thủy lợi, giao thông nhỏ hẹp hoặc chưa được đầu tư. Đến nay, đồng ruộng Yên Thủy khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm 65%, mỗi hộ chỉ còn từ 1 - 3 thửa, hình thành những cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho nông dân. 100% diện tích đất đã dồn đổi được cơ giới hóa. Chi phí sản xuất giảm 10 triệu đồng/ha/năm.

Theo đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, trong quá trình chỉ đạo phải sâu sát và phù hợp thực tế, có cơ chế giám sát, kiểm soát để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc đôn đốc thực hiện. Đặc biệt đề cao vai trò, sự nhiệt tình, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của chi bộ, ban quản lý, các đoàn thể xóm, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên. Từ thành công này, huyện tiếp tục có những kinh nghiệm quý báu phát huy QCDC để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị vững mạnh, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) cũng đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị từ việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Phó Bí thư TT Đảng ủy phường Triệu Sinh Mừng cho biết: Các nội dung thực hiện QCDC được lồng ghép trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. Các kế hoạch phát triển KT-XH, chủ trương, đề án, dự án đầu tư đều được công khai đến người dân, có sự tham gia giám sát của người dân. Hàng năm, phường xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị TX, ĐT giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở trong hoạt động quản lý, điều hành, phát triển KT-XH địa phương. Từ đó chỉ đạo tốt việc sáp nhập đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hướng dẫn của cấp trên. Đại hội Đảng bộ phường lần thứ II tổ chức thành công, bộ máy đi vào hoạt động hiệu quả. Nhân dân ủng hộ, tạo điều kiện cho các dự án triển khai trên địa bàn bảo đảm tiến độ. Năm 2020, Đảng bộ phường hoàn thành và hoàn thành vượt 100% chỉ tiêu nghị quyết. Thu nhập bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng. Hộ nghèo giảm còn 1,4%. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Theo đánh giá của BTV Tỉnh ủy: Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị. Việc thực QCDC ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, công khai, minh bạch, lấy ý kiến Nhân dân, đặc biệt là việc triển khai các chương trình, dự án góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện tốt hơn chất lượng sống của người dân. Bộ máy cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức gần dân, sát dân hơn và làm việc hiệu quả hơn.  MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới phương thức hoạt động, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện và giám sát, phản biện việc thực hiện các chủ trương, chính sách ở cơ sở. Chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng được nâng lên. Thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu thực hiện QCDC ở cơ sở

Từ việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở đã, đang giúp Đảng bộ huyện Lạc Sơn nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề thực tiễn ở cơ sở, tạo đồng thuận cao của cán bộ và người dân tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc công trình hồ chứa nước Cánh Tạng - được coi là dự án di dân "lịch sử” của huyện Lạc Sơn và của tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú Quách Công Vinh nhớ lại: Công trình ảnh hưởng đến hầu hết các hộ dân. Khi Nhà nước có chủ trương triển khai công trình, bà con có nhiều tâm tư, phải di chuyển nhà cửa, tài sản, hoa màu, mồ mả ông cha… Nhiều gia đình không còn ruộng cấy, đất rừng, nhà cửa. Thời điểm đầu năm 2019, khi đoàn công tác của tỉnh xuống tiến hành họp dân, người dân không hợp tác bỏ về hết, tình hình an ninh nông thôn trên địa bàn căng thẳng, bà con không hợp tác đối thoại, không cho vào vườn, không cho khoan đào, kiểm đếm tài sản, hoa màu để giải phóng mặt bằng (GPMB).

BTV Huyện ủy Lạc Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng đồng chí Thường trực Huyện ủy, BCH, các phòng, ban chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên cơ sở, người có uy tín tuyên truyền, vận động các hộ bị ảnh hưởng chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước. Suốt nhiều tháng, các thành viên trong Hội đồng GPMB huyện bám cơ sở, ăn nằm tại địa bàn; lãnh đạo huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương đến từng gia đình nắm bắt tâm tư, chia sẻ sự hy sinh của bà con phải di dời cho việc xây dựng công trình quan trọng của Nhà nước, tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ triển khai dự án. Các chủ trương, chính sách đền bù tài sản, tái định cư được công khai đến từng hộ dân. Huyện Lạc Sơn đã làm cuộc cách mạng về di dời nhà cửa, mồ mà, tài sản, hoa màu, bàn giao cho nhà thầu tổ chức thi công theo kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án.

Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đã giúp Lạc Sơn giải quyết nhiều vấn đề bức thiết trong GPMB các dự án chuẩn bị quỹ đất sạch thu hút đầu tư; chỉ đạo tốt công tác GPMB dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 12B, dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL 12B đi QL 1; xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản tại xã Yên Nghiệp và nhiều vấn đề bức xúc của địa phương… Gần đây, BTV Huyện ủy đã sâu sát cơ sở kịp thời nắm bắt, xử lý hiện tượng mua gom đất của các cá nhân ở khu vực đồi Thung, xã Quý Hòa, củng cố niềm tin của nhà đầu tư quyết tâm triển khai dự án.

Vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện QCDC gắn với thực hiện các quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, đưa nhanh nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Đảng bộ xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa công sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, lấy tiêu chí thực hiện công việc làm thước đo đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, xóm đổi mới tác phong công tác theo hướng gần dân, sát dân, vì dân, nói đi đôi với làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì vậy được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, xã thực hiện nghiêm túc QCDC theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, niêm yết công khai các dự án đầu tư trên địa bàn, các khoản thu thỏa thuận… Vĩnh Đồng là đơn vị tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện 3 vụ sản xuất/năm, xây dựng nông thôn mới, giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang đường 12 B…

Chi bộ phố Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong) phát huy trách nhiệm của đảng viên thực sự là tuyên truyền viên gần dân, sát dân để tuyên truyền, vận động gia đình, người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sử dụng ma túy, xây dựng địa bàn bảo đảm về ANTT. Đảng bộ TP Hòa Bình chú trọng công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; thực hiện đổi mới tác phong làm việc theo hướng gần dân, sát dân, huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, chỉnh trang thành phố đáp ứng yêu cầu theo các cấp đô thị, phấn đấu trở thành đô thị loại II trước năm 2025…

Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở, thực hiện nghiêm túc các quy định tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua tiếp xúc, đối thoại kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tình hình nhân dân; kịp thời giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, ngăn chặn tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ, góp phần hạn chế các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, tạo ổn định để phát triển. Trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Chỉ số cải cách hành chính, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận được tập trung giải quyết, trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm nóng, tạo ổn định để phát triển KT-XH.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, BTV Tỉnh ủy yêu cầu: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW. Quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về dân chủ, phương châm thực hiện dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hành dân chủ gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quyết định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện QCDC ở cơ sở; phát huy vai trò dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp; thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân…

(baohoabinh.com.vn)

Gửi cho bạn bè