Thứ Ba, 17/9/2024
Quảng Ngãi: Phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở
 

Cầu Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn) dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm 2022.


Những bài học quý

Trong 2 năm 2020 - 2021, xã Bình Dương (Bình Sơn, Quảng Ngãi) triển khai 4 dự án lớn là cầu Đông Yên 3; đập ngăn mặn Bình Nguyên - Bình Dương; đập ngăn mặn Bình Dương - Bình Phước và đê ngăn mặn. Triển khai các dự án cùng một thời điểm nên ban đầu, xã Bình Dương gặp những khó khăn nhất định trong giải phóng mặt bằng và giải quyết những vấn đề phát sinh. Thế nhưng, nhờ sự chủ động của chính quyền, người dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng và tự nguyện mở đường để vận chuyển vật liệu... nên các dự án thực hiện đúng và vượt tiến độ so với kế hoạch.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Dương Nguyễn Văn Ngọc cho biết, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các chủ trương của cấp trên, của Đảng ủy, UBND xã đều công khai đến người dân bằng nhiều hình thức, để mọi người biết và tham gia ý kiến vào việc chung. Đối với những hộ không có điều kiện dự họp ở những hội nghị tập trung, thì chính quyền sẽ phát phiếu xin ý kiến tại nơi cư trú. Cách làm công khai, minh bạch của Đảng ủy, UBND xã được người dân đồng tình. Hơn nữa, các công trình đều phục vụ lợi ích của người dân nên nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận rất cao.

Xã Bình Dương luôn là điểm sáng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của huyện Bình Sơn. So với 5 năm trước, đến nay 100% đường liên xã, liên xóm ở xã Bình Dương đã được bê tông; các trường học, trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia...

Để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, tính từ năm 2010 đến nay, xã Bình Dương đã huy động nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2021, xã có 3/5 khu dân cư là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Thành quả này minh chứng cho việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi dậy được sức dân trong xây dựng quê hương.

Tại xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), người dân đang chung sức trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa và đóng góp tiền, ngày công để lắp đặt hệ thống điện thắp sáng các tuyến đường trong thôn, xóm. Theo Bí thư Chi bộ thôn An Định, xã Hành Dũng Trần Văn Đệ, điều đáng ghi nhận ở đây là dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng người dân luôn sẵn sàng chung tay vì công việc chung mỗi khi cấp ủy, chính quyền kêu gọi. Muốn có được sự chung sức, đồng lòng đó, thì mọi vấn đề phải công khai, minh bạch cho người dân biết. Cái gì mà người dân được biết, bàn, làm và được kiểm tra thì họ đồng tình hưởng ứng ngay.

Gắn "dân vận khéo" với thực hiện dân chủ ở cơ sở  

Ở Quảng Ngãi, từ hơn 2.000 điển hình "dân vận khéo" ở các lĩnh vực cho thấy, nơi nào thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở thì phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân. Đây là bài học để các cấp, ngành, đơn vị... tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "dân vận khéo" và phát huy dân chủ ở cơ sở.

Năm 2021, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở thực hiện phong trào thi đua "dân vận khéo" gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, sát với thực tiễn, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, huy động các nguồn lực trong dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nổi bật như trong phòng, chống dịch Covid-19, toàn tỉnh thành lập gần 23 nghìn tổ Covid-19 cộng đồng, để vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống và hỗ trợ công tác chống dịch… 

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An cho biết, thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "dân vận khéo" với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng hơn, gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó tạo ra sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, huy động các nguồn lực để phát triển, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch.

 (baoquangngai.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất