Thứ Ba, 24/12/2024
Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng qua 5 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
 

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới.


Theo đồng chí Dương Sà Kha - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, các phong trào thi đua yêu nước và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chú trọng phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được quan tâm triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình ở cơ sở. Qua đó, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực hiện các công trình xây dựng tại cơ sở thông qua ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 109 ban thanh tra nhân dân với 1.024 thành viên, tổ chức giám sát 2.671 vụ việc; 98 ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 986 thành viên, tổ chức giám sát 657 công trình. Những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định được thực hiện khá đầy đủ ở xã, phường, thị trấn. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông đã công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân; nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, cây trái, vật kiến trúc để xây dựng cầu, đường giao thông, trường học, trạm y tế, góp phần thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, các chính sách an sinh xã hội được triển khai khá tốt, nhất là việc xét chọn, bình nghị công khai, nhằm tạo sự thống nhất trong nhân dân, hạn chế tình trạng thắc mắc, khiếu nại. Công tác hòa giải trong nội bộ nhân dân được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm thực hiện đạt kết quả tốt, tỷ lệ hòa giải thành bình quân hàng năm đều tăng, đạt trên 80%. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc đối thoại, tuyên truyền, giải thích và hòa giải nên phần lớn các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn được giải quyết ngay từ cơ sở.

Các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo thực hiện công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo đảm đúng thời gian quy định, hạn chế các trường hợp tồn đọng, chậm giải quyết. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh tiếp 9.921 lượt công dân, 7.649 vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành, chủ tịch UBND cấp huyện tiếp 2.061 lượt công dân định kỳ và đột xuất. Giải quyết 7.637/7.649 vụ, đạt tỷ lệ 99,84%. Phần lớn các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. MTTQ và các đoàn thể tích cực tuyên truyền về quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên theo dõi, nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành còn triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Nổi bật nhất là công tác cải cách hành chính của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị được giải quyết theo cơ chế một cửa. Toàn tỉnh có 107 thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông.

5 năm qua, công tác dân vận chính quyền của tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước về công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ngày càng được nâng cao. UBND các cấp tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh tác phong tiếp xúc với người dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên giáo dục, giám sát chặt chẽ thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là những vị trí công tác nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp... Qua đó, tạo chuyển biến trong phong cách làm việc, khắc phục tệ quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Khẳng định những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Cẩm Đào cho rằng, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ đã tác động tích cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm chuyển biến về phương thức lãnh đạo của cấp ủy, phương thức điều hành của chính quyền các cấp theo hướng gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân; quan tâm giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Từ những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy, thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

(baosoctrang.org.vn) 


Gửi cho bạn bè

Các tin khác