Thứ Sáu, 19/4/2024
Phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở ở Đồng Nai

Công nhân lao động phát biểu tại buổi đối thoại giữa Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh với công nhân lao động, ngày 28/12/2021. 


Kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở đã tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

* Tích cực nắm bắt tình hình nhân dân

Đồng chí Đào Văn Phước, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo các kết luận, thông tri của Trung ương, Ban TVTU đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TU ngày 12/5/2021 về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở giai đoạn 2021-2025.

Chỉ thị nêu rõ, hằng năm, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đề ra chủ đề trọng tâm thực hiện QCDC ở cơ sở để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện ở từng lĩnh vực. Trong đó, năm 2021, tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ; phát huy dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo phát huy dân chủ trong thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện QCDC ở cơ sở trong năm 2021, các cấp ủy đảng đã đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện QCDC nơi mình được phân công phụ trách. Đồng thời, tổ chức tiếp dân và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân để lắng nghe và giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân.

Theo đó, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 nhưng Bí thư Tỉnh ủy đã đối thoại với đoàn viên, người lao động về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động có thu nhập thấp; lãnh đạo UBND tỉnh đối thoại với thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp. Ngoài ra, trong năm qua, có 6/11 lãnh đạo đơn vị cấp huyện và 86/170 đơn vị cấp xã tổ chức đối thoại với nhân dân ở địa phương mình về các vấn đề người dân đặc biệt quan tâm.

Đối với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp, đã duy trì tổ chức các cuộc khảo sát, giám sát theo chương trình đề ra và tiếp xúc cử tri, nắm tình hình nhân dân trước, sau các kỳ họp để đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc tập trung bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, địa phương còn công khai các đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ảnh của người dân một cách kịp thời về an sinh xã hội nhằm chăm lo cho dân được tốt hơn.

* Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Phú Huỳnh Phước Sang cho biết, hằng năm, căn cứ chương trình thực hiện QCDC của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC huyện, ban chỉ đạo thực hiện QCDC các xã, thị trấn đã lãnh đạo UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí để thông qua Đảng ủy xã, thị trấn cho ý kiến theo quy định.

Sau khi thống nhất chủ trương về thực hiện các công trình, nhân dân trực tiếp bàn và phân loại các đối tượng tham gia đóng góp. Đối với những hộ không tham gia các cuộc họp này thì địa phương lấy ý kiến bằng hình thức gửi phiếu đến nhà. Sau đó, chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng lập biên bản tổng hợp kết quả những nội dung mà nhân dân đã bàn và quyết định, báo cáo về Đảng ủy và trình HĐND xã xem xét.

Với những cách làm trên đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và việc thực hiện tốt các nội dung của QCDC là một nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã vận động nhân dân hiến hơn 18 ngàn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, đến nay 100% tuyến đường của huyện (ngoài khu vực đô thị) được nhựa hóa, bê tông hóa.

Tại Huyện Long Thành, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và thực hiện QCDC ở cơ sở cũng rất được quan tâm. Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Long Thành Nguyễn Tấn Hưng chia sẻ, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều dự án công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh, trong đó có Dự án Sân bay Long Thành. Dự án này phải thu hồi gần 5 ngàn ha và hơn 5.500 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện di dời để nhường đất xây dựng công trình. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập tổ công tác vận động quần chúng, thường xuyên xuống gặp gỡ nhân dân và sử dụng nhiều hình thức khác để tuyên tuyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng của địa phương giải quyết những vấn đề người dân còn băn khoăn, thắc mắc liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Qua đó, tạo đồng thuận xã hội, người dân sớm bàn giao mặt bằng để thi công Dự án Sân bay Long Thành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Đến nay, cơ bản Huyện Long Thành đã phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong vùng phải di dời để thực hiện dự án (giai đoạn 1). Dự kiến trong quý II-2022, huyện bàn giao mặt bằng toàn bộ dự án cho chủ đầu tư để sớm thi công dự án, đưa vào khai thác đúng kế hoạch đề ra.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh Đào Văn Phước cho biết, trong năm 2022, các cấp ủy Đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các thông tri, chỉ thị của Ban TVTU về thực hiện các kết luận, pháp lệnh, nghị định của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy dân chủ trong nhân dân tham gia ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và góp ý thực hiện dự án, kế hoạch có liên quan đến đời sống của nhân dân. Thực hiện nghiêm việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân.

Các cấp chính quyền tiếp tục triển khai, thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền; thực hiện việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính, các quy định, quy trình liên quan đến triển khai chính sách đền bù, tái định cư để nhân dân được biết và giám sát. Tiếp tục nâng cao chất lượng việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy vai trò của người lao động và quần chúng nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, khiếu nại, tố cáo của người dân, nhất là những vụ việc kéo dài, tồn đọng nhiều năm.

Thực hiện tốt dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, bảo đảm công khai, minh bạch, động viên nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ công dân, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tự quản ở cơ sở, góp phần thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh Đồng Nai, bên cạnh những kết quả nổi bật, việc thực hiện QCDC cơ sở trên địa bàn tỉnh trong năm qua còn một số hạn chế như: việc công khai điều kiện, thủ tục hỗ trợ và quá trình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-TW ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 ở một số địa phương chưa thực hiện tốt; việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm; một số nơi, việc thực hiện QCDC còn mang tính đối phó, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định…

(baodongnai.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất