Nhằm
nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hệ thống chính trị của huyện Yên
Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”
gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của
nhân dân. Nhờ vậy đã tạo được mối đoàn kết, đồng lòng thực hiện thắng
lợi các chương trình, phong trào thi đua yêu nước, công tác giải phóng
mặt bằng, hiến đất xây dựng hạ tầng cơ sở, tham gia quản lý xây dựng đô
thị văn minh, xây dựng nông thôn mới.
|
Quá trình xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố Nông Trường, thị trấn Yên Sơn
không nhận bất kỳ khiếu nại, tổ cáo nào.
|
Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của xây dựng hạ tầng cơ sở, góp phần làm thay đổi diện mạo từ đô thị đến nông thôn; đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Trong đó, toàn huyện hoàn thành gần 2.800 km đường nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn tiêu chí giao thông; kiên cố hóa gần 900 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn; cải tạo, nâng cấp trên 10 công trình thủy lợi xã; xây mới và cải tạo, nâng cấp trên 220 nhà văn hóa thôn; xây dựng 46 công trình sân thể thao thôn, xây dựng 8 cầu tràn liên hợp. Gần 180 hộ dân trên địa bàn huyện tự nguyện hiến đất làm nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn, làm cầu nông thôn với diện tích trên 21.800 m2. Nhân dân đã ủng hộ 10.258 ngày công lao động để xây dựng hạ tầng cơ sở; số kinh phí xây dựng nông thôn mới được huy động trong nhân dân được trên 80,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân còn đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình khác như công trình nước sạch, xây dựng nghĩa trang, làm cầu nông thôn.
Đồng chí Lê Thị Hoa, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết, kết quả đạt được là do các cấp, ngành, địa phương của huyện đã tập trung xây dựng mô hình “dân vận khéo” thường xuyên, liên tục; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Quá trình triển khai, cán bộ làm công tác dân vận thường gần dân, sát dân, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Đặc biệt, từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của người dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đồng chí Nguyễn Văn Dần, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, là xã vùng khó khăn, thời gian qua, xã được quan tâm, đầu tư nhiều công trình hạ tầng theo phương châm Nhà nước hỗ trợ kinh phí, xã tự giải phóng mặt bằng. Để vận động nhân dân thực hiện hiến đất làm đường, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, công khai, minh bạch đến nhân dân các chủ trương đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, quá trình thực hiện, xã xây dựng quy trình, hướng dẫn để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án, các nguồn vốn đầu tư; tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của nhân dân đối với các công việc cụ thể trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chương trình để tăng hiệu quả, chất lượng, tránh lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực, các nguồn vốn của các chương trình, mục tiêu.
Tiêu biểu như năm 2020, xã Trung Sơn đã vận động 9 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số hiến trên 4.500 m2 để làm tuyến đường liên xã từ thôn Làng Phát, xã Kim Quan nối thôn Làng Chạp - xã Trung Sơn. Trong đó, 2 gia đình anh Giàng Seo Páo, thôn Làng Chạp; anh Dương Văn Páo, thôn Lâm Sơn có đất sản xuất tại Làng Chạp hiến đất làm đường với diện tích trên 1.000 m2/hộ. Ông Giàng Seo Páo bày tỏ, qua vận động, tuyên truyền, tôi hiểu giá trị của tuyến đường mang lại nên đã hiến đất làm đường. Quá trình thi công tuyến đường, tôi được thực hiện quyền làm chủ khi giám sát chất lượng công trình.
Năm 2020, sau 4 tháng thi công, công trình nhà văn hóa tổ dân phố Nông Trường, thị trấn Yên Sơn hoàn thành và đưa vào sử dụng với trị giá trên 260 triệu đồng do nhân dân đóng góp, chưa kể kinh phí làm khung, mái, vì kèo được Nhà nước hỗ trợ.
Bà Nhữ Thị Thu, Tổ trưởng tổ dân phố Nông Trường cho biết, vì diện tích khuôn viên rộng nếu xây dựng theo thiết kế quy định thì sẽ lãng phí đất nên chi bộ thống nhất, bàn bạc với nhân dân xây dựng nhà văn hóa với diện tích rộng hơn thiết kế, xây thêm các công trình phụ trợ như 1 nhà kho, 2 nhà vệ sinh. Mặc dù kinh phí tăng lên nhưng khi đưa ra bàn bạc, 100% người dân đồng thuận. Thôn thành lập 1 Ban xây dựng và 1 Ban Giám sát công trình; tuyên truyền và khuyến khích nhân dân tham gia đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình xây dựng nhà văn hóa. Thôn cũng công khai, minh bạch các khoản thu, chi; số tiền nộp và ủng hộ đến 100% hộ dân. Nhờ phát huy tinh thần làm chủ, quá trình xây dựng nhà văn hóa được xây dựng thuận lợi, không có bất kỳ khiếu nại, tố cáo nào.
Công tác vận động quần chúng gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là yếu tố góp phần cho sự thành công trong công tác “dân vận khéo” ở huyện Yên Sơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền ngày thêm vững mạnh và tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân ngày càng bền chặt.
(baotuyenquang.com.vn)