Thứ Tư, 4/12/2024
Hà Tĩnh thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Trương Thanh Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tham dự Hội nghị có gần 90 đại biểu là các đồng chí Ủy viên BTV, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hôi cấp tỉnh; Phó Bí thư và Trưởng ban dân vận các huyện, thị, thành phố.

 

Quang cảnh Hội nghị


Nghị quyết số 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới” là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương đang gặp phải những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là hậu quả sự cố môi trường biển; nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ trong một số tổ chức, địa phương, đơn vị có những hạn chế; việc huy động nguồn lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó tình trạng vi phạm dân chủ còn xảy ra ở một số lĩnh vực, địa phương, đơn vị gây ra những dư luận không tốt trong nhân dân.

 Ngay từ khi Nghị quyết được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảm quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát huy dân chủ; chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Quy chế; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đến nay, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân về thực hành dân chủ.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp và các doanh nghiệp, các chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra cơ bản sau 05 năm cơ bản hoàn thành. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở xây dựng đầy đủ các quy chế về thực hiện dân chủ cơ sở đúng quy định; 100% doanh nghiệp khu vực Nhà nước và 381/412 doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn (đạt 92%) ký thỏa ước lao động tập thể; 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo các nội dung theo quy định; 381/412 doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn (đạt 92%) tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định.

Tuy vậy, một số chỉ tiêu chưa đạt theo yêu cầu đề ra như: 191/216 xã, phường, thị trấn (đạt 88,5% so với chỉ tiêu là 100%) tổ chức hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; 89,32% (chỉ tiêu là 100%) cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân được tiếp thu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; có 1381/1527 địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (đạt 90,4% so với chỉ tiêu là 100%) thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai đầy đủ các nội dung phải công khai theo quy định.

 Việc thực hiện Quy chế dân chủ trên 3 loại hình đều có sự chuyển biến rõ nét. Dân chủ ở cơ sở ở xã, phường, thị trấn ngày càng nề nếp, thực chất; dân chủ trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; dân chủ trong doanh nghiệp ngày càng được quan tâm thực hiện gắn sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” được cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc; đặc biệt, dân chủ trong Đảng được phát huy từ đó tạo lan tỏa trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng định, nhờ phát huy dân chủ tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển trong điều kiện chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nội bật, Hà Tĩnh là địa phương được Trung ương chọn làm thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế; sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã được triển khai kịp thời tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; công tác hỗ trợ, đền bù sự cố môi trường biển, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh được triển khai minh bạch, dân chủ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Tình tình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định. Đạt được những kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là nhờ phát huy được dân chủ thực chất, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong nhân dân.

Các tham luận của đại biểu trình bày tại Hội nghị đã làm góp phần làm sinh động hơn báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng thời khẳng định thêm việc thực hiện và phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, thông qua các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; kịp thời giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị của các tầng lớp nhân dân và người lao động. Tuy vậy, các địa phương, đơn vị đã nhận thấy còn một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục như: Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, chưa có tổ chức đảng, tổ chức công đoàn còn rất hạn chế, thậm chí không thực hiện được. Chất lượng, hiệu quả một số cuộc kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở nhìn chung còn hạn chế…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm như: tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết số 02-NQ/TU, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ. Tăng cường lãnh đạo, chị đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo cấp ủy đảng; nâng cao, hiệu lực quản lý nhà nước; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; huy động sức mạnh nội lực của nhân dân cùng hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đặc biệt là xây dựng tỉnh nhà đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ cơ sở; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân được biết, được bàn, được quyết định, được kiểm tra, giám sát các nội dung theo quy định. Chú trọng làm tốt công tác đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân theo Quyết định số 657-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để giải quyết kịp thời những tồn đọng, vướng mắc, các kiến nghị, phản ánh chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở. Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp. Bên cạnh tổ chức kiểm tra giám sát chuyên đề cần tăng cường lồng ghép nội dung thực hiện dân chủ gắn với các cuộc kiểm tra giám sát trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị…

Tin và ảnh: Chu Thanh Hoài

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất