Thứ Năm, 25/4/2024
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Cần quan tâm hơn đến việc thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp​​​​​​.


Phải thống nhất giữa các khái niệm

Cơ bản nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở  cũng như nội dung được quy định tại các chương, điều trong dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật này là cần thiết; nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát huy dân chủ XHCN, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng"; hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Về những nội dung Nhân dân bàn và quyết định, tại khoản 6 Điều 13 dự thảo Luật đưa ra nội dung “các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội”. Theo ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận), quy định này cần cân nhắc bởi cộng đồng dân cư là nơi tập trung đa dạng, phong phú trình độ nhận thức văn hóa, chính trị xã hội, mỗi cá nhân đều có cách suy nghĩ và cách hiểu về luật pháp khác nhau. Nếu quy định không rõ ràng, thì khái niệm “các công việc khác” sẽ được hiểu theo những cách khác nhau và dễ đi đến các quyết định trái pháp luật mà ngay cả cộng đồng dân cư cũng không nhận ra. Thực tế đã xảy ra các trường hợp “phép vua thua lệ làng”, cộng đồng dân cư tự bàn và đưa ra các quyết định trái pháp luật, khi chính quyền cơ sở biết được thì có những việc đã đi quá xa, gây hậu quả cho xã hội. Do đó, tại quy định này cần nghiên cứu cụ thể về “các công việc khác” trong nội bộ của cộng đồng dân cư, đồng thời phải có chế tài cụ thể đối với các hành vi sai trái, trách nhiệm của người để xuất các vấn đề nội bộ của cộng đồng dân cư, trách nhiệm của chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, việc mở rộng phạm vi là doanh nghiệp chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước là đơn vị sử dụng nguồn lực Nhà nước. Việc mở rộng đối tượng điều chỉnh là các loại hình doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động là quá rộng và khó thực hiện được trong thực tế. Bởi, bản chất mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp được xác lập trên tinh thần tự nguyện, tự thỏa thuận theo nội dung và hình thức phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, thể hiện cụ thể hóa trong hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu như có phát sinh các mâu thuẫn, xung đột thì cơ chế giải quyết theo quy định pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn và các văn bản quy định chi tiết đến nay cơ bản được đáp ứng và chưa có vướng mắc gì. Vì vậy, quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như dự thảo Luật là chồng chéo, trùng lặp và có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước trong quá trình thực hiện, đồng thời cũng không đúng bản chất việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cùng quan tâm về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) đề nghị phải xem xét, bảo đảm tính thống nhất với các đạo luật đã ban hành và đang có hiệu lực, cụ thể như quy định doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, gọi chung là doanh nghiệp, là chưa thống nhất với các luật khác. Theo đại biểu, khái niệm doanh nghiệp đã được giải thích cụ thể tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, phân biệt giữa khái niệm hợp tác xã được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Hợp tác xã 2013; sẽ phù hợp hơn nếu gọi chung là "tổ chức kinh tế", vì khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định “tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Kịp thời khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Cụ thể, có 2 loại ý kiến: thứ nhất đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước; thứ hai đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến thứ nhất, ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) nêu thực tế, thời gian qua việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, chưa được quan tâm, nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tại khu vực ngoài nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức Hội nghị người lao động còn thấp, đạt khoảng 64%; doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn gần như không tổ chức Hội nghị người lao động theo quy định. Việc tổ chức Hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa bảo đảm các nội dung theo quy định nhất là việc công khai tài chính các loại quỹ.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo đại biểu, trước hết, do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp nên chưa chủ động phối hợp mà chủ yếu do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đề xuất nên việc thực hiện còn khó khăn. Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công khai các nội dung của thỏa ước lao động tập thể nên người lao động không tiếp cận được. Bên cạnh đó, dẫn số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021, đại biểu cho biết, cả nước có 105 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương, nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm thưởng hoặc chi trả lương, thưởng chưa hợp lý, tăng thời gian làm việc mà chưa thông qua ý kiến của người lao động.

Từ thực trạng và nguyên nhân nêu trên, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, cần thiết phải nghiên cứu rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và có các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với hệ thống pháp luật về lao động.

(daibieunhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất