|
Việc
mở rộng tuyến đường liên tổ 48, 50, 52 khu 5, phường Hà Trung (TP Hạ
Long)
nhận được sự đồng thuận, thống nhất, ủng hộ cao trong nhân dân.
|
Cuối năm 2021, nhân dân tổ 7, khu 3, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), phấn khởi khi tuyến đường dài 300m đi qua tổ dân hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Chín (đảng viên khu phố 3), chủ trương xây dựng, cải tạo tuyến đường xuất phát từ nguyện vọng của chính nhân dân. Bởi vậy khi nguyện vọng đó được các cấp chính quyền lắng nghe, thực hiện, nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Khi có chủ trương xây dựng, cải tạo tuyến đường, khu phố đã tổ chức họp dân, công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến việc thực hiện dự án, được nhân dân thống nhất đồng thuận, nhà nước và nhân dân cùng làm. Khu 3 đã thực hiện tốt chủ trương dân biết, dân được bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng. Do vậy, từ hỗ trợ của thành phố và nguồn xã hội hóa, đóng góp của nhân dân, chỉ trong một thời gian ngắn thi công, tuyến đường được hoàn thành, tạo thuận lợi cho việc đi lại trong khu vực.
Hay như tuyến đường liên tổ 48, 50, 52 khu 5, phường Hà Trung (TP Hạ Long) được hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2022, đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường dài hơn 500m, rộng 7,5m được hoàn thành từ phong trào hiến đất làm đường của người dân. 83/83 hộ dân bị ảnh hưởng đã hiến đất, tháo dỡ kiến trúc, bàn giao mặt bằng với tổng hơn 1.100m2 đất, giá trị ước tính khoảng 17 tỷ đồng. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trước khi triển khai làm tuyến đường, phường đã họp thống nhất chủ trương, ra nghị quyết, ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích rõ cho người dân hiểu được chủ trương, mục đích, ý nghĩa của dự án.
Không chỉ tuyến đường tại khu 3, phường Bãi Cháy, hay tuyến đường liên tổ 48, 50, 52 khu 5, phường Hà Trung, trong những năm qua, đã có hàng trăm tuyến đường trong các khu dân cư, công trình công cộng trong toàn tỉnh được xây dựng từ sức mạnh “ý Đảng - lòng dân”.
Có thể thấy, cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia bàn, thảo luận và tự quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi trong xây dựng nông thôn mới, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội... Những cuộc bàn, thảo luận này thường được thực hiện thông qua cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tại các thôn, bản, khu phố; đảm bảo công khai, thảo luận dân chủ, kết hợp với thuyết phục, vận động, tạo được sự thống nhất cao của nhân dân. Các nội dung đã quyết định được tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực cho thôn, bản, khu phố.
Với tinh thần tăng cường và đổi mới trong công tác dân vận, cả hệ thống chính trị đã hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp tập trung đổi mới hoạt động quản lý, điều hành theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện và gần dân. Công tác chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm triển khai nghiêm túc, có nhiều đổi mới, hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; qua đó góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các cấp chính quyền gắn thực hiện dân chủ ở cơ sở với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, chỉ đạo xây dựng quy chế hoạt động của UBND các cấp theo quy chế mẫu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của xã và thôn, bản, khu phố, phù hợp với quy định của pháp luật, gắn kết hài hòa với các quy định của hoạt động Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Hoạt động tuyên truyền nội dung các quy định về dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức, lồng ghép qua các hội nghị của HĐND, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội, các cuộc họp của thôn, dân phố để toàn thể cán bộ, công chức, nhân dân biết, thực hiện và theo dõi, kiểm tra, giám sát, phản biện việc tổ chức thực hiện của chính quyền.
Những nội dung công khai để nhân dân biết được chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc; niêm yết công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch bồi thường GPMB, các chính sách về an sinh xã hội, các khoản thu phí, lệ phí, các quy định về TTHC... với các hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt.
Cùng với đó, các địa phương chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư; thực hiện nghiêm việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân (theo Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị). Toàn tỉnh duy trì tổ chức giao ban giữa thường trực cấp ủy, chính quyền với bí thư chi bộ, trưởng thôn (bản, khu phố), trưởng ban công tác mặt trận. Vai trò giám sát của nhân dân được phát huy thông qua hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được nâng cao, 99,5% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn...
Việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đoàn kết và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
(baoquangninh.com.vn)