Thứ Năm, 25/4/2024
Thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thống nhất, xuyên suốt

Phiên họp chuyên đề pháp luật về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở


Chiều 17/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tên gọi, bố cục của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất giữ tên gọi của dự thảo Luật là "Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở". Đồng thời điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng trong dự thảo Luật, qua rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định liên quan đến việc công khai thông tin để dân biết và những nội dung, hình thức nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở. 

Chỉnh lý quy định về nội dung, hình thức nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng và trong thực hiện các mục tiêu khác của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, đơn vị nói chung. Đồng thời bổ sung một điều riêng quy định về quyền thụ hưởng của nhân dân.

Về cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng làm rõ vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt. 

Bên cạnh đó, cũng bổ sung các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm và việc xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Băn khoăn về việc sử dụng từ 'cử tri'

Đối với những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành Luật này điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì còn có ý kiến khác nhau. 

Có ý kiến cho rằng, do phần lớn các tổ chức có sử dụng lao động đều đang thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nội dung này nên đề nghị Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ nên dẫn chiếu đến các quy định có liên quan của pháp luật về lao động, còn lại nên tập trung quy định về thực hiện dân chủ đối với doanh nghiệp nhà nước bởi có những đặc thù riêng.

Về việc xác định chủ thể và cách thức tổ chức để nhân dân tham gia bàn, quyết định những nội dung ở thôn, tổ dân phố, dự thảo Luật trình Quốc hội sử dụng thuật ngữ "cử tri", "cử tri đại diện hộ gia đình" để xác định chủ thể tham gia bàn, quyết định những nội dung ở thôn, tổ dân phố. 

Trong quá trình thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về việc sử dụng từ "cử tri" vì dễ gây nhầm lẫn với khái niệm "cử tri" được sử dụng trong pháp luật về bầu cử, chưa thực sự khả thi, không xác định được trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của cơ sở. 

Nhiều ý kiến băn khoăn về tỉ lệ cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tham gia họp, lấy ý kiến để được coi là đủ điều kiện tổ chức họp, biểu quyết lấy ý kiến về các vấn đề của thôn, tổ dân phố, của cấp xã.

Về Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, vẫn có ý kiến đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn; không tiếp tục thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay bởi tại những loại hình này, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khó phát huy hiệu quả thực chất, không bảo đảm tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ như đối với ở xã, phường, thị trấn.

(baochinhphu.vn) 


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất