Quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thành các quy định, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” được triển khai rộng rãi đến đảng viên, cán bộ, công chức và Nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy đã tổ chức 10 hội nghị đối thoại trực tiếp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đồng thời, luôn tạo điều kiện tốt nhất để Nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chính quyền các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ, các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của Nhân dân. Trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đã đặc biệt coi trọng việc phát huy quyền làm chủ và những lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh đã tổ chức 17 kỳ họp; trong đó gồm 9 kỳ họp thường lệ và 8 kỳ họp giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thường kỳ. HĐND các huyện, thành phố tổ chức 182 kỳ họp, gồm 119 kỳ họp thường lệ và 63 kỳ họp giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thường kỳ. HĐND cấp xã tổ chức 1.841 kỳ họp. Qua đó, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 11.066 nghị quyết và tổ chức 3.296 cuộc giám sát, khảo sát để quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Bên cạnh đó, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được triển khai thực hiện tại 100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến cấp xã. UBND tỉnh đã ban hành 94 quyết định cập nhật, bổ sung các thủ tục hành chính theo quy định của cấp có thẩm quyền; có 1.898 thủ tục hành chính được công bố. Trong đó, cấp tỉnh 1.438 thủ tục, cấp huyện 316 thủ tục và cấp xã 144 thủ tục.
Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của Nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã tiếp 16.618 lượt công dân với 21.198 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp 48 đoàn đông người với 621 người. Tiếp nhận 3.337 đơn khiếu nại, tố cáo đủ điều kiện xử lý, trong đó có 2.774 đơn khiếu nại, 563 đơn tố cáo.
Đến nay, đã giải quyết 3.123 đơn khiếu nại, tố cáo (đạt 93,59%). Kết quả, trong 3.123 đơn khiếu nại, tố cáo đã giải quyết, có 231 đơn khiếu nại, tố cáo đúng (chiếm 7,4%), 190 đơn khiếu nại, tố cáo đúng một phần (chiếm 6,08%) và 2.656 đơn khiếu nại, tố cáo sai (chiếm 85,05%); ra quyết định lần đầu 5 đơn, hủy quyết định lần đầu 01 và 40 đơn xin rút.
Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh phát huy ngày càng tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tích cực thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Qua đó, tiến hành giám sát 20 chuyên đề và phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, HĐND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ngành giám sát 59 chuyên đề về việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, HĐND, UBND tỉnh. Các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nhiều cuộc giám sát tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Cùng với việc tổ chức các hội nghị phản biện, từ năm 2016 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành góp ý 310 dự thảo văn bản như: Nghị quyết của HĐND tỉnh; các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, quy định, chương trình, kế hoạch… của UBND tỉnh, các sở, ngành gửi xin ý kiến tham gia của MTTQ. Tham gia góp ý 1.908 dự thảo văn bản của cấp ủy, tổ chức Đảng các nội dung trọng tâm như: Dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020; dự thảo một số nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, kết luận… có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và lĩnh vực chuyên môn của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện 1.740 báo cáo với hàng nghìn ý kiến góp ý xây dựng chính quyền tập trung vào các nội dung như: Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND và các văn bản quy phạm pháp luật, việc thực hiện cải cách hành chính, việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
Có thể nói, việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được triển khai ngày càng sâu rộng, từng bước vững chắc và thực sự đi vào cuộc sống, nhất là phát huy dân chủ ở cơ sở, đạt kết quả tích cực góp phần tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương.
(baolamdong.vn)