Thứ Hai, 23/12/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Trị hiện nay
Nhân dân Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới

Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và trên cơ sở thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Công văn số 106-CV/TU, ngày 30/3/2016 chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai, rà soát và chỉ đạo tăng cường thực hiện các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên các loại hình; Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 15/4/2016 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết Số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 về đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ngày càng được mở rộng, nhất là trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, động viên và huy động được sức lực, trí tuệ của nhân dân.

Các xã trên địa bàn toàn tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển địa phương, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các vấn đề được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ với sự thống nhất của người dân. Nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp vấn đề xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước, xây dựng làng, xóm xanh sạch đẹp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ mái ấm tình thương” được người dân đồng tình ủng hộ.

Với sự tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tính đến nay, Quảng Trị có 69/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,3%, bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 14,3 tiêu chí/xã, tăng 0,2 tiêu chí so với cuối năm 2022.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Trị đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 của ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,54%. Sản lượng lương thực có hạt: 172.482,9 tấn đạt 66,3% kế hoạch năm, năng suất lúa trên địa bàn vượt ngưỡng 61 tạ/ha, đạt 61,4 tạ/ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 17.625,5 tấn, đạt 47% kế hoạch năm. Diện tích trồng rừng tập trung 4.285,5 ha (đạt 61,2% kế hoạch năm); Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, cây phân tán là 520.561 m3 (đạt 52,05% kế hoạch năm).

Kết quả trên cho thấy, các cấp uỷ, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy dân chủ cơ sở, động thời xác định xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo.

 Tuy nhiên, qua thực tiễn việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới đang đặt ra không ít khó khăn như: Công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước còn chưa kịp thời. Một số vấn đề bức xúc của người dân chưa được giải quyết kịp thời. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế.

Do đó, để phát huy có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện thắng lợi mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh như mục tiêu đã đề ra, cần tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản như:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc cụ thể hoá những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hai là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò giám sát trong thực hành dân chủ. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua một cách hiệu quả, thiết thực, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”. Cấp uỷ, chính quyền ở cơ sở phải kịp thời nắm bắt, giải quyết những kiến nghị của người dân kịp thời.

Ba là, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Người dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, mỗi người dân cần phát huy tính tích cực, kịp thời phát hiện và tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Lựa chọn, bồi dưỡng những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, có trách nhiệm nhằm làm nồng cốt xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến. Kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng các mô hình; các cá nhân, tập thể có cách làm hay, sáng tạo trong  phong trào xây dựng nông thôn mới.

(tinhuyquangtri.vn) 19/09/2023

Gửi cho bạn bè