Thứ Sáu, 22/11/2024
Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023 ở Nghệ An

Kinh tế tiếp tục phát triển, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được chăm lo và khẳng định, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước thực hiện 18.500 tỷ đồng, bằng 116% dự toán, bằng 82,2% thực hiện năm 2022; Chi ngân sách năm 2023 ước thực hiện 35.661 tỷ đồng, bằng 107,5% dự toán. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều đóng góp quan trọng vào kết quả chung của tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện QCDC gắn với nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là thực hiện chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 24/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được quan tâm thực hiện tốt. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trực tuyến Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở” kết nối đến 442 điểm cầu UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong toàn tỉnh với 13.900 đại biểu tham dự tại các điểm cầu. Thông qua Diễn đàn MTTQ tỉnh đã tổng hợp hơn 1.200 ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động công tác Mặt trận để cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ngành cấp tỉnh kịp thời tháo gỡ, tạo động lực để công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình được thực hiện bài bản, hiệu quả hơn. Cấp ủy đảng, chính quyền các xã, phường, thị trấn thường xuyên quan tâm đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở; công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chế độ “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến tại các xã, phường, thị trấn luôn được chú trọng và duy trì nề nếp. Toàn tỉnh có 460/460 xã, phường, thị trấn có bộ phận “một cửa”. UBND cấp xã có 115 dịch vụ công một phần và 32 dịch vụ công toàn trình. Về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai và thực hiện; dự kiến lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 77,62% tổng số xã (số tiêu chí bình quân đạt 17 tiêu chí/xã); 88/319 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 27,59% số xã đạt chuẩn NTM; 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 3,76% số xã đạt chuẩn NTM. Các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện QCDC theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng chuyển biến tích cực. Việc tiếp công dân, tiếp xúc - đối thoại trực tiếp được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng. Năm 2023, tỉnh Nghệ An đã tổ chức 04 cuộc đối thoại. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại 02 cuộc với thành viên các tổ chức chính trị - xã hội, tháng 3/2023, tổ chức đối thoại trực tiếp và trực tuyến với gần 500 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu 21 huyện, thành, thị trong tỉnh về chủ đề “Thanh niên Nghệ An sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp”; Thường trực Tỉnh ủy đối thoại trực tiếp kết hợp với trực tuyến với gần 6.000 đồng chí Trưởng, Phó phòng và chuyên viên các cơ quan cấp tỉnh; tháng 8/2023, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt, đối thoại với hơn 1.022 cán bộ là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; thực hiện QCDC trong doanh nghiệp được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, nghiêm túc. Đến nay, toàn tỉnh có 30/30 doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị dân chủ năm 2023 đạt 100%; có 30/30 doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, đạt tỷ lệ 100%; có 436/528 doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị dân chủ năm 2023 đạt 82,6%; có 398/528 doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, đạt tỷ lệ 75,4%.

Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết các vấn đề bức xúc, vướng mắc của nhân dân được các cấp, các ngành tham gia đầy đủ, nghiêm túc, Tránh được khiếu kiện vượt cấp. Trong năm 2023, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp 5.402 lượt, với 5.995 công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh trong kỳ là 9.169 đơn, tăng 4,7%, trong đó số đơn đủ điều kiện xử lý là 7.963 đơn; số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ 279 vụ việc, giảm 8,8% so với cùng kỳ. Đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết được 247/279 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,5%, còn 32 vụ việc đang trong quá trình giải quyết của các cấp, các ngành.

Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp được kiện toàn kịp thời và triển khai hoạt động có hiệu quả. Năm 2023, đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị đăng ký xây dựng được 145 điểm sáng về thực hiện QCDC và 139 điểm sáng dân vận chính quyền; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy biên tập, phát hành cuốn sách “Một số mô hình, điểm sáng Dân vận chính quyền và QCDC cơ sở” năm 2023.

Vai trò của Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ban Dân vận các cấp, là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện QCDCCS các cấp. Các đồng chí thành viên BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh đã tích cực bám cơ sở, điểm phụ trách và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song việc thực hiện QCDC ở cơ sở  vẫn còn một số khó khăn. Việc tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp giữa người lao động và người sử dụng lao động ở một số công ty, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chưa cao; còn nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức hội nghị người lao động. Một số nơi các cuộc họp khối, xóm, bản tỷ lệ người dân tham dự còn thấp. Việc quán triệt, triển khai Luật Thực hiện luật dân chủ ở cơ sở tại các tổ chức có sử dụng lao động chưa kịp thời. Ý thức, trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Một số cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước còn có tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, đùn đẩy công việc trong thực thi công vụ.

Nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Tập trung tuyên tuyền, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là: Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Hai là, thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" thiết thực, hiệu quả.

Ba là, thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đề ra.

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Đề án số 04-ĐA/TU ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; thực hiện có hiệu quả Đề án số 07-ĐA/TU ngày 24/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Năm là, gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo tinh thần “kiến tạo” và “phục vụ”; đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 03/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Sáu là, tổ chức triển khai thực hiện Thông báo số 920-TB/TU, ngày 31/5/2023 của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị đối thoại với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong khối các cơ quan tỉnh năm 2023 và Thông báo số 1029-TB/TU, ngày 28/8/2023 của Thường trực Tỉnh ủy tại Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND 460 xã, phường, thị trấn lần thứ 2, năm 2023. 

Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân theo; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Kế hoạch số 179-KH/TU, ngày 23/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tám là, tổ chức cho thành viên BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh và cơ quan Thường trực BCĐ cấp tỉnh, cấp huyện đi học tập kinh nghiệm việc triển khai thực hiện QCDC một số tỉnh, thành phố trong nước.

Chín là, kiểm tra kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2024 tại một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp. Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách QCDC các địa phương, đơn vị. Tổng kết việc thực hiện QCDC cơ sở năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác QCDC năm 2025./.

(nghean.dcs.vn)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác