Thứ Hai, 25/11/2024
Đắk Nông: Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở để tăng cường đoàn kết nội bộ
 
Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Nông chú trọng cải cách hành chính,
chuyển đổi số để phục vụ khách hàng tốt hơn
 

 

Thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với QCDC cơ sở

Theo đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh Đắk Nông, thực hiện QCDC, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với QCDC ở cơ sở. Các quy định về chế độ hội họp, giao ban định kỳ, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thực hiện theo quy định.

Năm 2023, toàn tỉnh có 627/627 cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng quy định về trình tự, nội dung. Tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đơn vị tiến hành góp ý sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, quy chế thực hiện dân chủ; phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua, bầu ban thanh tra nhân dân… Các cơ quan, đơn vị kịp thời công khai, minh bạch các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch công tác, chế độ chính sách... để đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm bắt, tham gia góp ý xây dựng, kiểm tra, giám sát.

Tổ chức công đoàn cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các nội dung thuộc trách nhiệm của công đoàn, ban thanh tra nhân dân. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 597 cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện đã thành lập ban thanh tra nhân dân. Các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 750 cuộc giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, QCDC ở cơ sở; đồng thời phối hợp giám sát, giải quyết 265 đơn thư, khiếu nại, xác minh vụ việc.

Nhiều cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập còn xây dựng được các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ. Như các quy chế về thực hiện dân chủ, làm việc, chi tiêu nội bộ; nâng lương, khen thưởng, kỷ luật; quy định về thực hiện nếp sống văn hóa và chuẩn mực đạo đức cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng...

Đồng chí Hà Thị Hạnh đánh giá, việc thực hiện công khai, dân chủ đã trở thành phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền. Từ đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy quyền dân chủ, nâng cao trách nhiệm, tích cực tham gia góp ý, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, cải cách lề lối làm việc, thực hiện quy chế, quy định tại cơ quan, đơn vị.

Chú trọng cải cách hành chính, tiếp công dân

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các cơ quan, đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, các đơn vị tập trung đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thủ tục hành chính, thời gian, hướng đến sự hài lòng của người dân. Các cơ quan, đơn vị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động về công tác dân vận đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong đó, hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải cách hành chính, xây dựng sáng kiến cải cách hành chính “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn” để áp dụng thí điểm tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Nhiều đơn vị, địa phương đã ứng dụng google form trong khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính thí điểm tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Việc ứng dụng phần mềm zalo để thông tin, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính được chú trọng.

Bên cạnh đó, các đơn vị tiến hành xây dựng sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn công tác cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đến nay, toàn tỉnh đã tích hợp 402 dịch vụ công mức độ 3 và 694 dịch vụ công mức độ 4; kết nối 526 thủ tục hành chính của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, tiếp công dân cũng được các cơ quan, đơn vị quan tâm. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý xong 3.652 đơn, tăng 141 đơn so với năm 2022. Trong đó, 3.255 đơn liên quan đến 3.153 vụ việc đủ điều kiện xử lý, gồm: 165 đơn khiếu nại, 102 đơn tố cáo, 2.988 đơn kiến nghị, phản ánh. Các cấp, các ngành đã tiếp 2.107 lượt, với 3.107 công dân đến trình bày các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tăng 155 lượt, với 288 người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ban tiếp công dân các cấp, cán bộ tiếp công dân tiếp 1.569 lượt, với 2.261 người. Lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tiếp công dân định kỳ và đột xuất 538 lượt với 846 người, trong đó có 18 đoàn đông người, với 186 người.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã thụ lý giải quyết xong 43/63 vụ việc khiếu nại và 6/9 vụ tố cáo. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, còn tồn đọng, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã giải quyết xong 4/6 vụ việc (đạt 66%), hiện công dân không còn khiếu kiện...

Cũng theo đồng chí Hà Thị Hạnh, kết quả thực hiện QCDC trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần tạo không khí dân chủ, cởi mở, tăng cường đoàn kết nội bộ và nâng cao vai trò làm chủ, phát huy tinh thần trách nhiệm, tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở cũng đã làm chuyển biến phong cách lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, xa dân, gây phiền hà cho dân và yếu kém trong quản lý, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh.

(baodaknong.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất