Chủ Nhật, 22/12/2024
Thanh Hóa: Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để khơi dậy sức dân
 
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân
thị trấn Vân Du (Thạch Thành) đã phát triển các mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định
 

 

Tháng 3/2023, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) được Ban Dân vận Tỉnh ủy lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”. Ngay sau khi mô hình đi vào hoạt động, UBND thị trấn đã tổ chức cho cán bộ, công chức ký cam kết thực hiện một số nội dung trọng tâm, đó là “3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không né tránh trách nhiệm; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc); “4 thể hiện” (tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc; gần gũi, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân); “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn). Ngoài ra, thị trấn Vân Du cũng đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, để từ đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và giải quyết kịp thời những nội dung đề xuất, kiến nghị, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho người dân.

Từ thực tiễn cho thấy, việc thực hiện QCDC cơ sở ở thị trấn Vân Du đã tạo được sự đoàn kết thống nhất trong các tầng lớp nhân dân, từ đó đã khơi dậy được sức dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương. Trong đó phải kể đến cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đạt kết quả tích cực. Giai đoạn từ năm 2018-2024, Nhân dân thị trấn đã hiến trên 2.620m2 đất ở để mở rộng đường giao thông và xây dựng các công trình dân sinh; hiến 19.600m2 đất sản xuất để làm đường nội đồng; huy động đóng góp trên 27,2 tỷ đồng để xây dựng các công trình công cộng ở các khu dân cư... Đến nay, đã có 86% các tuyến đường nội khu được bê tông hóa, hai bên đường lắp điện chiếu sáng; vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” để nâng cao chất lượng đô thị... Thị trấn Vân Du đang phấn đấu đến cuối năm 2024 được công nhận đạt chuẩn “Đô thị văn minh”...

Trong những năm qua, huyện Thạch Thành xác định thực hiện tốt QCDC ở cơ sở sẽ khơi dậy “lòng dân - sức dân” trong triển khai các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn đã tổ chức công khai các nội dung cho Nhân dân được biết, được bàn, được tham gia ý kiến theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, công khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện và địa phương về chương trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo... Việc công khai được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: thông qua hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, niêm yết tại nhà văn hóa thôn, khu phố, trụ sở các xã, thị trấn, thông qua loa truyền thanh cơ sở...

Từ những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Thạch Thành đạt 43,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn 7,05%; toàn huyện có 18/23 xã đạt tiêu chí thu nhập; 15/23 xã đạt tiêu chí lao động; 15/23 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; đến nay đã có 113/170 thôn đạt chuẩn NTM, 6 thôn đạt NTM kiểu mẫu; 11/23 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao...

Không chỉ huyện Thạch Thành, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả QCDC ở cơ sở, từ đó khơi dậy sự đoàn kết, sức mạnh nội tại của mọi tầng lớp nhân dân. Ví như tại huyện Hoằng Hóa, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã quan tâm triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI), bằng việc công khai để Nhân dân được biết, được bàn và tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo Xây dựng cơ sở và thực hiện QCDC huyện và các xã, thị trấn thường xuyên nắm chắc tình hình cơ sở, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh...

Còn việc thực hiện QCDC cơ sở ở huyện Quảng Xương lại được minh chứng rõ nét trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, các xã, thị trấn đã tạo điều kiện để người dân tham gia bàn bạc, cùng quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dồn điền, đổi thửa; đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông liên thôn; đóng góp ý kiến vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, như: chương trình phát triển kinh tế - xã hội; mức đóng góp, xã hội hóa xây dựng các công trình dân sinh; bình xét các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo... Từ việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, đã khơi dậy sức dân, chung sức, đồng lòng xây dựng huyện đạt chuẩn NTM năm 2018 và Quảng Xương đang đặt mục tiêu về đích huyện NTM nâng cao trong năm 2024.

Theo số liệu thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 ở xã, phường, thị trấn đã triển khai được 416 mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”; kiện toàn và nâng cao chất lượng của 4.151 tổ hòa giải ở cơ sở với 26.989 hòa giải viên. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt việc công khai để Nhân dân được biết, được bàn, tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện... Từ đó đã tạo được sự đồng thuận, phát huy được tinh thần làm chủ của Nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

(baothanhhoa.vn)  

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất