Chủ Nhật, 29/12/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân
Công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster đóng góp ý kiến xây dựng môi trường làm việc tại công ty. Ảnh: THIÊN LÝ

Những chuyển biến tích cực

Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn coi trọng việc thực hiện QCDC, đặc biệt là ở các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và trong các doanh nghiệp. Việc thực hiện QCDC đã có tác động tích cực trong việc góp phần thay đổi nhận thức, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, nhất là chính quyền cơ sở; tác động đến hiệu quả, chất lượng công việc trong bộ máy Nhà nước, việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn tiếp tục được đẩy mạnh, đạt chất lượng. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh dân chủ luôn được các địa phương chú trọng thực hiện thường xuyên và có hiệu quả đến toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân với nhiều hình thức đa dạng. UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc công khai cho nhân dân biết những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp với nhân dân và địa phương. Đặc biệt, trong năm 2016, việc thực hiện dân chủ đã được phát huy cao độ trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về các chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng cho địa phương, giúp dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đối với các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp và các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc vẫn còn nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt cơ chế đối thoại để giải quyết kịp thời các kiến nghị từ phía người lao động nên dẫn đến tranh chấp lao động.

Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua việc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đúng theo quy định. Qua đó đã phát huy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức biết và tham gia thảo luận đóng góp ý kiến đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và phương hướng, nhiệm vụ, chương trình công tác hàng năm; thống nhất nội quy, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, chương trình hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và Ban lãnh đạo cơ quan. UBND tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, mô hình “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” trên toàn tỉnh; triển khai thực hiện các chỉ thị về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” của Thủ tướng Chính phủ và “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp” của Tỉnh ủy.

Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc vẫn còn nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt cơ chế đối thoại để giải quyết kịp thời các kiến nghị từ phía người lao động nên dẫn đến tranh chấp lao động. Việc tổ chức hội nghị người lao động tại một số doanh nghiệp được tổ chức dưới hình thức lồng ghép với đại hội cổ đông hoặc lồng ghép với hội nghị tổng kết năm của doanh nghiệp. Công tác tổ chức còn sơ sài, không chú trọng đến nội dung mà nặng về hình thức. Nội dung QCDC ở một số doanh nghiệp còn rập khuôn theo quy định của pháp luật, chưa cụ thể hóa vào thực tế của doanh nghiệp. Ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì hầu như không triển khai thực hiện QCDC theo quy định.

Khắc phục những khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những mặt tích cực, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh cũng đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém trong thực hiện nội dung này. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về thực hiện QCDC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa sâu rộng đến nhân dân; hiệu quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chưa cao, có nơi còn hình thức; công tác phối hợp, kết hợp giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đôi lúc thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp không tổ chức hội nghị người lao động. Việc xây dựng các văn bản và triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở có lúc, có nơi chưa kịp thời, nội dung thực hiện chưa đầy đủ; việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo của một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa bảo đảm về nội dung và thời gian theo quy định.

Đồng chí Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng, từ năm 2014 đến nay, tình hình thực hiện QCDC cơ sở tại nơi làm việc chưa đạt hiệu quả cao, chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tổ chức đối thoại định kỳ, tổ chức hội nghị người lao động hoặc có tổ chức cũng chỉ mang hình thức, không đầy đủ nội dung. Số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cũng còn thấp so với tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập và hoạt động. Trong khi đó, đồng chí Bùi Văn Ra, Trưởng ban Dân vận Thị ủy Dĩ An cho rằng, nhận thức của người sử dụng lao động về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện QCDC ở cơ sở, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp còn hạn chế. “Một số doanh nghiệp có tổ chức đối thoại với người lao động thì không phải do người sử dụng lao động đứng ra chủ trì mà lại do công đoàn cơ sở thực hiện và mời doanh nghiệp tham gia. Theo quy định, chủ trì hội nghị phải là chủ doanh nghiệp nhưng đằng này công đoàn phải thuyết phục, thương lượng với người sử dụng lao động…”, đồng chí Ra nói.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết việc thực hiện QCDC năm 2016 mới đây, đồng chí Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là do sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị với các địa phương chưa tốt; công tác tuyên truyền chưa cao, thực hiện chưa đồng bộ, trong đó có một phần do nhận thức chưa cao của một số cấp ủy, UBND và doanh nghiệp. Nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở tại một số địa phương chưa được thực hiện tốt; việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chưa được thể hiện rõ mà chỉ giao cho ban chỉ đạo thực hiện, trong khi ban chỉ đạo chủ yếu là kiêm nhiệm.

Trên cơ sở phân tích những hạn chế, yếu kém, đồng chí Phạm Văn Cành lưu ý, trong thời gian tới Ban chỉ đạo QCDC các cấp cần phải rút ra được những khó khăn, hạn chế để khắc phục; đồng thời tiếp tục kiện toàn với việc bổ sung các đồng chí là chủ tịch công đoàn ngành làm thành viên; nâng cao công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và định kỳ sơ kết, đánh giá; nâng cao vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện tốt hơn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”…

Trong năm 2016, việc thực hiện dân chủ đã được phát huy cao độ trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về các chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng cho địa phương, giúp dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng...

Nguồn: baobinhduong.vn, ngày 20/3/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi