Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xứng đáng là quê hương của “tiếng trống năm 1930”.
Phát huy bài học nhân dân làm chủ
Xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải những ngày tháng tám này tươi tắn sắc cờ và hoa. Tại các di tích lịch sử đình làng Nho Lâm, đình làng Thanh Giám, bác Phan Thị Chè, đảng viên cao tuổi của xã tự hào giới thiệu về những ngày đầu cách mạng. Từ nơi đây, vào sáng sớm 14-10-1930, những tiếng trống đầu tiên của bà con nông dân được gióng lên, hiệu triệu hàng chục nghìn con tim yêu nước trong huyện đứng lên đấu tranh ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Hơn 80 năm trôi qua, những kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng của Đảng vẫn được các cấp ủy, chính quyền huyện Tiền Hải thấm nhuần và vận dụng vào thực tiễn; trong đó nổi bật là bài học về phát huy sức mạnh nhân dân. Xã Đông Lâm là địa phương còn nhiều khó khăn. Để khơi dậy sức dân trong công cuộc xây dựng quê hương, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh triển khai các quy chế dân chủ ở cơ sở. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mọi chủ trương sau khi được Ðảng ủy xã thống nhất, chính quyền tổ chức công khai đến nhân dân thông qua các kỳ họp HÐND, tiếp xúc cử tri, các cuộc họp thôn, niêm yết trên các bảng tin, thông báo trên hệ thống truyền thanh… Đông Lâm là một trong những xã của huyện Tiền Hải hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2014.
Cùng với Đông Lâm, chỉ trong vòng ba năm, cán bộ, nhân dân xã Tây Ninh đã chung sức phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới. Bài học của Đảng ủy xã Tây Ninh chính là thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Bùi Đức Thanh, Chủ tịch UBND xã cho biết, để bảo đảm tất cả nhân dân cùng biết và tham gia ý kiến vào công việc chung, ngoài thông báo trên loa truyền thanh, UBND xã tổ chức họp dân để phổ biến đến từng hộ. Những người không có điều kiện dự, chính quyền phát phiếu xin ý kiến tại nơi cư trú. Tại các buổi họp đều có đại diện lãnh đạo xã, thôn dự và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Cách làm công khai, minh bạch của UBND xã đã huy động nhân dân tham gia tích cực. Theo kế hoạch đến năm 2020, xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đến năm 2014 đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới. Hầu hết các xã trong huyện Tiền Hải luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, huyện có 27 trong tổng số 34 xã hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí nông thôn mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt các làng quê, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiền đề thuận lợi sớm đưa Tiền Hải trở thành huyện nông thôn mới.
Xây dựng đội ngũ cán bộ vì dân
Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Giang, đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò quan trọng. Trước năm 2010, hơn 50% tổng số cán bộ xã Đông Lâm chưa đạt chuẩn. Để khắc phục hạn chế này, ngay đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đã thống nhất bàn bạc, tập trung ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ. Đảng ủy xã rà soát quy hoạch cán bộ, bố trí hợp lý công việc để tạo thuận lợi cho các đồng chí trong độ tuổi đi học. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn, nhiều đồng chí phát huy tốt hơn năng lực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, giúp xã khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ trước đây. Năm 2018, xã Đông Lâm kiện toàn một loạt chức danh Trưởng ban công tác mặt trận, Chủ tịch Hội Nông dân… do nguồn được đào tạo, bố trí hợp lý cho nên không còn phải “đốt đuốc tìm cán bộ”. Tất cả các chức danh ứng cử đều bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn. Đồng chí Phạm Trọng Ủy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, giải pháp đột phá của Đảng ủy là thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Các khâu trong công tác cán bộ từ quy hoạch, đào tạo đến bố trí, sắp xếp được tập thể bàn bạc, nhất quán thực hiện công khai, dân chủ.
Còn với xã Tây Ninh, Đảng ủy xã thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy chế cũng như cam kết tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tác phong cán bộ theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời tăng cường lấy ý kiến góp ý của đoàn thể và nhân dân đối với cán bộ. Qua thực hiện các giải pháp, đội ngũ cán bộ xã Tây Ninh chuyển biến rõ nét về lề lối, tác phong làm việc và tinh thần thái độ phục vụ nhân dân. Năm 2013, xã triển khai xây dựng nông thôn mới, thôn Lạc Thành Nam khó khăn trong dồn điền đổi thửa, do đặc thù ruộng tốt xấu, xa gần không đều nhau. Trước nhiều ý kiến lo ngại, “bàn lùi”, đội ngũ cán bộ xã kiên trì bám dân vận động thuyết phục. Sau ba lần họp thôn, bà con mới đồng ý chủ trương chia lại ruộng. Lần thứ tư họp mới thống nhất vị trí các khu và phương án phân chia. Ngày 30 Tết Nguyên đán, cán bộ xã vẫn bám thôn giao ruộng cho dân để kịp thời vụ. Sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ xã được nhân dân đánh giá cao, công tác dồn điền đổi thửa thành công theo đúng tiến độ.
Noi gương cán bộ, đảng viên, nhiều người dân trong huyện chủ động góp sức vào phong trào, không chờ vận động. Chị Trần Thị Hiền, thôn Hưng Đạo, xã Vũ Lăng băn khoăn khi thấy đường thôn vừa được cán bộ, nhân dân chung sức trải bê-tông rộng, sạch mà nhiều người vẫn vứt rác thải bừa bãi. Chị quyết định dọn sạch rác và mua hoa về trồng hai bên đường. Nhiều người đi qua thôn thấy đây là mô hình hay, đã học tập. Đến nay, hoa tươi đã phủ kín khắp các tuyến đường xã Vũ Lăng, tạo nên vẻ đẹp riêng cho vùng quê lúa.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy, chính quyền và tác phong của cán bộ cơ sở ở huyện Tiền Hải. Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nguyễn Thị Kim Yến, dù đạt nhiều kết quả nhưng qua kiểm tra cho thấy, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở một số nơi vẫn còn hạn chế. Có xã vẫn chưa niêm yết công khai những nội dung dân biết, dân bàn mà chỉ phổ biến qua các cuộc họp và loa truyền thanh. Một số trụ sở UBND chưa bố trí được phòng tiếp dân. Nhiều cán bộ xã chậm tiếp cận các văn bản, hướng dẫn mới dẫn đến giải quyết công việc còn theo cảm tính, lối cũ, chưa nhận được sự đồng tình của dân…
Huyện ủy Tiền Hải xác định nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phổ biến để từng người dân hiểu và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới. Huyện ủy sẽ tiếp tục phát huy vai trò Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác tham mưu cấp ủy và hướng dẫn cơ sở giải quyết những vấn đề phức tạp đang diễn ra như giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, an ninh nông thôn…
Nguồn: nhandan.org.vn, 25/8/2018