Thứ Sáu, 27/12/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở Bình Định: Cần thiết thực, tránh hình thức
 
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện QCDC tại Công ty CP Dược
- Trang thiết bị y tế Bình Định.


Đợt giám sát kết quả thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan của HĐND tỉnh diễn ra từ  7/5 đến 14/5.

Nhiều chuyển biến

Kết quả giám sát cho thấy, UBND cấp xã, huyện và các cơ quan hành chính nhà nước đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hành dân chủ, công khai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Các doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt việc công khai tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; nội quy lao động; thỏa ước lao động tập thể; phát huy quyền làm chủ, kiểm tra, giám sát của người lao động.

Đơn cử, tại Sở Công Thương, mọi công việc quan trọng của cơ quan đều được bàn bạc, thảo luận trong đảng ủy, tập thể lãnh đạo. Thực hiện 9/9 nội dung những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết. Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo Sở tổ chức giao ban với trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc.

Nội dung giao ban và ý kiến chỉ đạo được đăng tải công khai trên phần mềm điện tử để tất cả cán bộ, công chức, viên chức nắm bắt. Việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đều được đưa ra bàn bạc, thống nhất trong đảng ủy và tập thể lãnh đạo. Qua đó, cán bộ, công chức, viên chức phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân.

Tại huyện Hoài Ân, UBND huyện và các xã, thị trấn tăng cường thực hiện minh bạch, công khai TTHC theo quy định pháp luật. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã, thị trấn.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Người đứng đầu cấp ủy và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn đối thoại trực tiếp với nhân dân theo định kỳ. Nhờ đó, giảm đáng kể tình trạng khiếu nại, tố cáo; một số việc tồn đọng kéo dài được giải quyết; hạn chế các vụ việc phức tạp, đông người.

Đối với Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, hàng năm, lãnh đạo công ty phối hợp với ban chấp hành công đoàn tổ chức hội nghị người lao động từ cấp tổ sản xuất, phân xưởng đến các phòng, ban và chi nhánh trực thuộc. Qua đó, tạo điều kiện cho người lao động tham gia ý kiến, giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp.

Ngoài ra, công ty bầu tổ đối thoại, xây dựng quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định. Nội dung đối thoại có trọng tâm, sát thực tế, đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Quy chế tuyển dụng, định mức khoán doanh thu, sản phẩm; quy chế khen thưởng đều được công ty công khai hóa và thống nhất ban hành thông báo đến từng bộ phận. Tạo động lực gắn bó trách nhiệm giữa người đứng đầu đơn vị với công nhân viên lao động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Vẫn còn tồn tại

Bên cạnh đó, đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện QCDC ở cơ sở tại một số địa phương, cơ quan, DN. Trong đó, việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện QCDC còn hạn chế, thiếu sót; chưa có nội dung cụ thể, không bám sát thực tế. Công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến QCDC chưa thường xuyên; việc tổng kết, đánh giá còn nặng về hình thức. Hoạt động xây dựng hương ước, quy ước khu dân cư còn rập khuôn, mang tính đối phó.

Ngoài ra, MTTQ các cấp và các hội, đoàn thể ở địa phương chưa phát huy vai trò phản biện, giám sát. Trong các cuộc họp khu dân cư, số lượng người dân tham gia còn ít, chưa phát huy quyền làm chủ, giám sát của người dân. Các nội dung dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát chưa thực hiện đầy đủ; việc niêm yết công khai còn sơ sài, chưa đảm bảo theo quy định.

Bên cạnh đó, hoạt động công đoàn của nhiều DN đóng trên địa bàn một số huyện, thị xã còn hạn chế, có đơn vị chỉ làm hình thức. Thậm chí, có DN chưa tổ chức hội nghị người lao động hoặc tổ chức đối phó.

Trước thực tế này, ông Võ Đình Thú, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng đoàn giám sát, yêu cầu: Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại các địa phương, cơ quan, DN cần thiết thực, hiệu quả, sát thực tế đời sống. Cần phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân; quyền tham gia ý kiến, giám sát của người lao động. Đồng thời, các địa phương, cơ quan, DN củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo; đổi mới phương pháp triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện của MTTQ các cấp và các hội, đoàn thể địa phương.

(baobinhdinh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi