Thứ Ba, 14/1/2025
Quảng Bình: Khi Quy chế dân chủ cơ sở phát huy
 

Thực hiện Quy chế DCCS, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các buổi đối thoại
giúp NLĐ bày tỏ mong muốn, khúc mắc của mình. 

Quy chế DCCS là những quy định về quyền, trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể với các nội dung NLĐ được biết, được tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát... tại nơi làm việc.

Đây là yếu tố quan trọng không chỉ bảo vệ quyền lợi của NLĐ mà còn giúp DN bảo đảm trật tự nơi làm việc, qua đó, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh.

Xác định rõ điều này, nhiều DN ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch CĐ Công ty CP Kinh doanh dầu khí Quảng Bình, trực thuộc CĐ KKT tỉnh cho hay: "Giai đoạn đầu mới thành lập, quan hệ lao động trong công ty chúng tôi luôn tiềm ẩn mâu thuẫn dễ phát sinh tranh chấp lao động.

Được sự hướng dẫn của CĐ cấp trên, sau khi thành lập BCHCĐ, chúng tôi đã cùng NLĐ xây dựng Quy chế dân chủ. Trong đó, quy định tổ chức đối thoại 1 tháng/lần, tổ chức hội nghị NLĐ 1 năm/lần.

Thông qua các buổi đối thoại định kỳ, dựa vào những ý kiến từ NLĐ được tập hợp đưa lên, BCHCĐ cùng đóng góp các ý kiến và đề xuất để công ty có những điều chỉnh phù hợp.

Ngoài việc đối thoại định kỳ, trong các buổi hội nghị NLĐ đầu năm, NLĐ được đối thoại với lãnh đạo tại hội nghị. Tại đây, những ý kiến, thắc mắc của NLĐ được lãnh đạo công ty tiếp nhận và trả lời trực tiếp. Nhờ vậy, tình trạng tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể tại đơn vị đã không xảy ra".  

Tại Công ty TNHH S&D Quảng Bình, nhờ thực hiện tốt Quy chế DCCS, mối quan hệ giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động thời gian qua luôn được giữ vững.

Ông Vũ Trí Tuệ, Chủ tịch CĐ công ty cho biết: Những năm qua, xác định vai trò quan trọng của việc thực hiện Quy chế DCCS tại nơi làm việc, CĐ công ty luôn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ trong công ty thông qua loa phát thanh, bảng tin..., qua đó, đã giúp NLĐ hiểu và nắm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để tự bảo vệ khi bị vi phạm.

Nhờ thực hiện tốt Quy chế DCCS tại nơi làm việc và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, hàng năm, CĐ công ty luôn đạt danh hiệu CĐ vững mạnh.

Nhiều năm liền đơn vị luôn nhận được giấy khen, bằng khen của các cấp CĐ. Đó không chỉ là phần thưởng cho sự cố gắng, nỗ lực của các cán bộ CĐ mà còn giúp cho mối quan hệ lao động trong công ty luôn hài hòa, ổn định, giúp NLĐ yên tâm sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 8 khu công nghiệp, khu kinh tế chính thức đi vào hoạt động, với 47 DN, tạo việc làm cho 4.900 lao động. Thu nhập bình quân của NLĐ từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Trong các DN đang hoạt động có 35 DN có tổ chức CĐ. Ông Lương Phú Cường, Chủ tịch CĐ KKT tỉnh cho biết: "Để các DN thực hiện Quy chế DCCS tại nơi làm việc, hàng năm, CĐ KKT đã chủ động xây dựng các văn bản và chủ động phối hợp với Ban quản lý KKT chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, DN tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định.

Bên cạnh đó, CĐ KKT cũng chỉ đạo các CĐ cơ sở tham gia xây dựng quy chế đối thoại phải bám sát nội dung quy định và phù hợp với loại hình DN.

Nhờ vậy, trong năm qua, có 77,8% DN tổ chức hội nghị NLĐ; 46,6% DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc,; 77,8% DN ký kết thỏa ước lao động tập thể và không có DN nào để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động, đình công".

Thực tế cho thấy, thực hiện hiệu quả Quy chế DCCS và đối thoại tại nơi làm việc là giải pháp tốt nhất để tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, tránh những hậu quả đáng tiếc về tranh chấp lao động và đình công ở DN, đồng thời, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng lao động và NLĐ trong quá trình tham gia quan hệ lao động. Chỉ có thực hiện tốt Quy chế DCCS và đối thoại tại nơi làm việc mới thật sự xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN hiện nay.

(baoquangbinh.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất