Thứ Tư, 15/1/2025
EVN bắt nhịp xu thế tự động hóa

Từng bước làm chủ công nghệ

Trước năm 2019, công tác tự động hóa của EVN đang trong quá trình hình thành và phát triển. Các đơn vị tự tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi các nước trong khu vực và thế giới để áp dụng. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn khá rời rạc và chưa có tiêu chí, định hướng rõ ràng, dẫn đến việc mỗi nơi, mỗi đơn vị có cách làm khác nhau. Nhằm nâng cao tính tự chủ, hiệu quả về kinh tế và kỹ thuật, năm 2019, Hội đồng thành viên EVN ban hành Nghị quyết số 51/NQ-HĐTV về “Một số định hướng cơ bản công tác tự động hóa trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu xuyên suốt là tinh thần tự chủ và từng bước làm chủ công nghệ. 


 Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN (thứ 3 từ trái sang) và ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN (thứ 2 từ phải sang) tặng quà và trao các quyết định công nhận các sản phẩm Make by EVN

Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, trong chiến lược phát triển của EVN cũng như Đề án Tự động hóa, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, EVN chủ trương phát huy nội lực. Nội lực từ việc phát triển, sản xuất các phần mềm, các thiết bị để đo đếm, điều khiển hệ thống điện; từng bước làm chủ trong việc triển khai, nắm bắt công nghệ. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay EVN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác tự động hóa.

Hiện các kỹ sư của EVN đã cơ bản làm chủ được hệ thống tích hợp điều khiển nhà máy điện (DCS) do các hãng nước ngoài cung cấp, giảm thiểu tối đa việc phải thuê ngoài khi gặp các tình huống cần phải xử lý. Hệ thống SCADA/EMS đã được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia làm chủ, khai thác phục vụ điều hành, vận hành hệ thống điện với các tính năng chuyên sâu đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống điện dù đứng trước sự phát triển đột biến của các nguồn năng lượng tái tạo.

Khối phân phối và truyền tải cũng đã chủ động khai thác phần mềm, tự thực hiện dịch vụ triển khai tích hợp cho trung tâm điều khiển, trạm biến áp. Những công việc trước đây phải phụ thuộc vào nhà thầu như: khai báo, mở rộng tín hiệu, trạm, ngăn lộ, tích hợp và triển khai lắp đặt, cài đặt, khai báo, cấu hình ghép nối, thí nghiệm hiệu chỉnh từ thiết bị đầu cuối tại trạm 110kV, Recloser, LBS đều đã được các kỹ sư EVN tự chủ vận hành. Ước tính, việc tự thực hiện góp phần tiết kiệm được khoảng 900 triệu đồng/trạm biến áp, khoảng 2 tỷ đồng/trung tâm điều khiển xa.

Ông Đỗ Mạnh Cường – Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam đánh giá, những năm qua, EVN đã chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như việc thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số nói chung, tự động hóa nói riêng. Trong quá trình đó, EVN đã có những nỗ lực đặc biệt. Các đơn vị thành viên của EVN đã chuyển đổi số mạnh mẽ, qua đó, tối ưu công tác vận hành hệ thống điện; nâng cao độ tin cậy cho các hệ thống từ phát điện, truyền tải, phân phối điện; mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện.

Và các sản phẩm “Make by EVN”

Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, tự động hóa sẽ là lựa chọn ưu tiên phát triển của EVN trong thời gian tới, nhằm đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững và bắt kịp xu thế công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. EVN sẽ tiếp tục quyết tâm, phát huy nội lực, chủ động, đổi mới sáng tạo và tận dụng tối đa sự hợp tác, liên kết với các đối tác trong nước và quốc tế, phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực về tự động hóa.

Không chỉ tự làm chủ các công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới, các đơn vị EVN đã có các sản phẩm tự phát triển theo tiêu chí "Make by EVN". Riêng năm 2021, toàn EVN có 28 sản phẩm đăng kí “Make by EVN”; trong đó có 6 sản phẩm được công nhận "Make by EVN", 3 sản phẩm đủ tiêu chuẩn điều kiện đăng ký sản phẩm “Make in Vietnam”.


 Đại diện Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin nhận danh hiệu Sao Khuê 2019

Điển hình, phần mềm Thu thập dữ liệu công tơ đo đếm (EVNHES) do Công ty Viễn thông Điện lực và công nghệ thông tin (EVNICT) xây dựng và phát triển là phần mềm duy nhất tại Việt Nam có thể kết nối được với tất cả các chủng loại đồng hồ đo đếm trên lưới điện EVN quản lý. Nếu như trước đây, các tổng công ty phải sử dụng 5 – 6 hệ thống khác nhau để quản lý các thiết bị đo đếm, thì hiện nay, các đơn vị chỉ cần áp dụng một hệ thống cho toàn bộ các công nghệ và chủng loại đồng hồ đo đếm trên lưới điện. Phần mềm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao khi giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, tiết kiệm nhân lực, thời gian khi sử dụng.

Hay chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến OMS là chương trình đầu tiên tại Việt Nam do đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Tổng công ty Điện lực TP.HCM tham gia nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ phần mềm lõi tiên tiến. Phần mềm này giúp nhân viên vận hành hạn chế các sai sót trong quá trình thiết kế và cập nhật lưới điện. Đồng thời, liên kết với chương trình Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), qua đó, cung cấp thông tin mất điện chính xác, tự động báo trước thông tin cắt điện có kế hoạch, gửi tin nhắn khi có sự cố kèm theo các thông tin về dự kiến thời gian tái lập đến khách hàng qua các kênh SMS, Zalo, ứng dụng chăm sóc khách hàng…
 
Ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, trong 3 sản phẩm của EVNCPC được công nhận Make by EVN, tiêu biểu nhất là sản phẩm Trạm sạc nhanh đón đầu xu thế sử dụng ô tô điện. Đây là trạm sạc bằng năng lượng mặt trời, sạc theo công nghệ quốc tế và đã đạt giải Nhất Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020.

Các sản phẩm Make by EVN không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN và các đơn vị, tăng năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, mà còn là tiền đề, động lực để các đơn vị của EVN tiếp tục phát huy sức sáng tạo, tự chủ trên hành trình tự động hóa, chuyển đổi số.

PV

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất