Thứ Sáu, 19/4/2024
Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà với sứ mệnh đảm bảo an toàn vùng hạ du và an ninh năng lượng quốc gia

Để hạn chế tối đa và giảm thiểu những thiệt hại đó, từ những năm 90 của thế kỷ XX, các Trung tâm kiểm soát an toàn công trình thủy điện trên thế giới đã được thành lập. Ở Việt Nam, sau quá trình nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập bậc thang Thủy điện sông Đà, được sự chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày 20/4/2021, Công ty Thủy điện Sơn La đã thành lập Trung tâm kiểm soát An toàn công trình trên bậc thang Sông Đà (Trung tâm KSAT) tại Quyết định số 318/QĐ TĐSL. Trung tâm KSAT ra đời trên nền tảng của Phân xưởng Thủy công. Tiếp nối thành quả của Phân xưởng Thủy công, sau 16 tháng hoạt động (4/2021 – 10/2022), Trung tâm đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an toàn liên hồ chứa trong quá trình vận hành, giám sát chặt chẽ mực nước hồ của hai thủy điện trọng điểm: Sơn La và Lai Châu; đảm bảo việc vận hành công trình không gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, dân sinh của các địa phương thượng lưu; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, vận hành các hồ Hòa Bình, Bản Chát, Huội Quảng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ nhu cầu sử dụng nước ở hạ du.


 

Trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà, EVN quản lý và vận hành 05 công trình, do ba công ty thủy điện quản lý: Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát và Công ty Thủy điện Hòa Bình. Các công trình thủy điện trên đều là các công trình đa mục tiêu với các nhiệm vụ chính là điều tiết lũ, cung cấp nước cho hạ du, đảm bảo giao thông phía hạ du vào mùa kiệt và phát điện cho hệ thống quốc gia.

Các công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà thuộc EVN quản lý, vận hành đều là các công trình với các đập có chiều cao đều trên 100m với nhiều dạng kết cấu đập khác nhau, thuộc loại đập lớn trên thế giới. Trong đó, ba công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (hai công trình Huội Quảng, Bản Chát đang làm hồ sơ đề xuất), được Bộ Công an canh gác bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, hạ lưu công trình thủy điện Hòa Bình là châu thổ sông Hồng (trong đó có thủ đô Hà Nội) nên việc vận hành đảm bảo tuyệt đối an toàn các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.  Trước các diễn biến thời tiết bất thường trong thời gian qua trên thế giới và khu vực, cùng các sự cố vỡ đập các công trình thủy điện trong nước và quốc tế, việc tăng cường, đảm bảo công tác vận hành an toàn đập, hồ chứa nhất là đối với các công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà là một nhu cầu thực tế, cần thiết và cấp bách. Việc quản lý vận hành an toàn các công trình đập hồ chứa tập trung, hiện đại sẽ là cơ sở để các cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh Quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa theo thời gian thực. Đây chính là cơ sở pháp lý, là công cụ giúp EVN và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ra quyết định vận hành hồ chứa trong mùa lũ linh hoạt, phù hợp với dự báo theo thời gian thực, đem lại lợi ích tổng hợp cao hơn cho công trình. Do tính chất quan trọng của bậc thang thủy điện Sông Đà đối với an toàn hạ du, trong các Thông báo cuộc họp hàng năm của Hội đồng An toàn trên bậc thang thủy điện sông Đà thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ luôn đề nghị EVN khẩn trương thực hiện thí điểm xây dựng Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà. Năm 2018, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8418/BCT ATMT ngày 16/10/2018 thống nhất và giao EVN nghiên cứu, triển khai thực hiện xây dựng thí điểm Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà.

 Việc đảm bảo an toàn công trình vừa mang lại giá trị to lớn cho nền kinh tế vừa có ý nghĩa sống còn đối với an toàn vùng hạ du – đồng bằng sông Hồng. Sự kiện thành lập Trung tâm KSAT năm 2021 là một dấu mốc quan trọng, thể hiện trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với đất nước, với sự an toàn vùng hạ lưu.

 Là một chi bộ trực thuộc Đảng bộ Công ty Thủy điện Sơn La, Chi bộ Trung tâm KSAT đã xác định 05 nhiệm vụ nòng cốt của trung tâm:

01. Chú trọng làm tốt công tác Đảng, xây dựng lực lượng; bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhằm xây dựng tập thể chi bộ vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

02. Tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát đảm bảo an toàn cho các công trình được kết nối tín hiệu về Trung tâm kiểm soát an toàn công trình.

03. Rà soát và đề xuất từng bước thay thế các thiết bị quan trắc hư hỏng, đề xuất đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát an toàn công trình.

04. Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển; ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo nhằm phát triển hạ tầng hệ thống thiết bị quan trắc, hệ thống giám sát an toàn công trình. 

05. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để phổ biến, nâng cao nhận thức cho toàn CBCNV trong đơn vị về quản trị thủy điện.

 


 

Trung tâm KSAT đơn vị trực tiếp sản xuất trực thuộc Công ty Thủy điện Sơn La, cơ cấu tổ chức gồm có 01 Giám đốc phụ trách chung, 02 Pgiám đốc38 cán bộ công nhân viên.  Được phân bổ cho 2 công trình: Nhà máy Thủy điện Sơn La và Nhà máy Thủy điện Lai Châu.  Nguồn nhân lực của Trung tâm đa phần là cán bộ trẻ, tuổi nghề chưa nhiều nhưng đây là đội ngũ được đào tạo bài bản và trưởng thành cùng quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy. Họ không chỉ được đào tạo mà còn tự đào tạo, sáng tạo nhiều giải pháp kĩ thuật mới, làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của một công trình trọng điểm quốc gia. Hầu hết cán bộ trung tâm làm việc xa nhà, phải luân phiên di chuyển giữa hai thủy điện nhưng họ luôn tận tụy với công việc, đảm bảo an toàn công trình và an ninh năng lượng quốc gia. 

Từ khi thành lập cho đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La cùng sự quyết tâm phấn đấu của tập thể cán bộ công nhân viên, Chi bộ Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thể hiện qua các thành tích sau:

Chủ trì tham mưu cho lãnh đạo Công ty thực hiện xuất sắc công tác quản lý kỹ thuật, sửa chữa và quản lý vận hành các thiết bị quan trắc, công trình thủy công. Phối hợp với các đơn vị trong Công ty thực hiện công tác quản lý kỹ thuật vận hành đúng quy trình, đúng phương thức huy động công suất của điều độ quốc gia (A0), cung cấp đủ nguồn điện với chất lượng điện năng cao cho hệ thống lưới điện quốc gia, cung cấp cho các phụ tải trên phạm vi cả nước. Thực hiện công tác quan trắc, tham mưu cho lãnh đạo Công ty trong công tác vận hành điều tiết 02 hồ chứa Sơn La, Lai Châu đúng quy trình vận hành liên hồ chứa; Phát huy tối đa giá trị của nguồn nước; Thực hiện chức năng điều tiết cắt lũ vào mùa mưa, xả nước tưới tiêu cho đồng bằng Bắc Bộ trong mùa khô…

Về sản xuất điện: phối hợp với các đơn vị tham mưu về kế hoạch sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên các thiết bị quan trắc, công trình thủy công đảm bảo các tổ máy sẵn sàng trong mùa lũ, đồng thời bám sát điều kiện thủy văn để kịp thời tham mưu điều chỉnh, đảm bảo các tổ máy có tính khả dụng cao nhất đặc biệt trong mùa mưa giúp hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản lượng điện. Với sự phối hợp tốt trong công tác quan trắc, theo dõi, đánh giá hiện trạng an toàn công trình để vận hành tối ưu nâng cao hiệu quả phát điện, tổng sản lượng điện sản xuất của 2 nhà máy đến tháng 10 năm 2022 là 9.45/12,88 tỷ kWh đạt 73,37% so với kế hoạch EVN giao.

Về quản lý vận hành, đánh giá an toàn đập: hàng năm, Trung tâm đã tổ chức tốt công tác quan trắc, phân tích, đánh giá, lập báo cáo gửi Hội đồng. Kết quả báo cáo đánh giá an toàn công trình, công tác vận hành quản lý an toàn đập của Công ty đã được Hội đồng KHCN đánh giá cao với số liệu đầy đủ, trung thực tại thông báo cuộc họp số 1855/BKHCN-CNN ngày 25/7/2022. 

Hai công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu cũng được thiết kế và lắp đặt các thiết bị quan trắc theo tiêu chuẩn với 1.229 cảm biến tại Thủy điện Sơn La và 1.344 cảm biến tại Thủy điện Lai Châu. Trung tâm đã lắp đặt thiết bị phòng Trung tâm giám sát, kết nối, cấu hình hệ thống phần mềm dữ liệu quan trắc công trình thủy điện Huội Quảng, Bản Chát thực hiện kết nối trong tháng 08/2022 và dự kiến kết nối công trình thủy điện Hòa Bình trong tháng 11/2022 phục vụ công tác theo dõi, giám sát và cảnh báo an toàn các công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà.

Thực hiện xuất sắc công tác quản lý, giám sát thi công, nghiệm thu thực hiện sửa chữa lớn (SCL), sửa chữa thường xuyên (SCTX) thiết bị quan trắc và các công trình xây dựng, kiến trúc trước khi đưa vào sử dụng. Công ty thủy điện Sơn La đã đưa vào vận hành 1 trạm quan trắc lưu lượng và đo mưa tại thượng nguồn sông Đà (trạm Kẻng Mỏ, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu); 20 trạm đo mưa tự động (3 trạm trên lưu vực hồ Lai Châu, 17 trạm trên lưu vực hồ Sơn La) phục vụ quan trắc mưa trên lưu vực, góp phần nâng cao chất lượng giám sát lưu lượng về 2 hồ chứa thủy điện.

Công tác lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước: khai thác, sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường hồ chứa được thực hiện nghiêm. Hàng năm, Công ty đều thực hiện quan trắc giám sát môi trường lòng hồ và môi trường tại 2 nhà máy, không phát hiện sự cố bất thường. Đồng thời, đã lắp đặt camera giám sát việc vận hành xả nước và thiết bị đo đạc, giám sát tự động, trực tuyến mực nước thượng - hạ lưu, lưu lượng phát điện của nhà máy. Tính toán lưu lượng xả sau đập, lưu lượng nước về với tần suất 1 giờ/lần. Cả hai NMTĐ Sơn La, Lai Châu đều đã trang bị hệ thống camera giám sát xả nước, tín hiệu được truyền trực tiếp về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các đơn vị liên quan. Năm 2022, kết quả kiểm tra và đánh giá của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập bậc thang Thủy điện sông Đà (Bộ Khoa học và Công nghệ) kết luận đập, hồ chứa đảm bảo an toàn, sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước.

Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Trong mùa mưa lũ hàng năm, Trung tâm phối hợp Công ty không để xảy ra sự cố, đảm bảo cung cấp điện, an toàn đập, hồ chứa nước, công trình thủy điện và vùng hạ du. Trên cơ sở đó, giúp Công ty Thủy điện Sơn La vận hành hệ thống cảnh báo hạ du tại 2 nhà máy với 14 hệ thống loa cảnh báo, 16 biển cảnh báo đặt tại các xã/bản ven sông hạ lưu đập Thủy điện Sơn La; 5 hệ thống loa cảnh báo hạ lưu và 5 biển cảnh báo hạ du tại thị trấn Nậm Nhùn, xã Lê Lợi, xã Nậm Hàng ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu và phường Sông Đà, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên nhằm đảm bảo thông tin được đến người dân kịp thời nhất.

Về công tác đào tạo: việc xây dựng khung đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao cũng đã được thống nhất và phân công đơn vị triển khai; xây dựng kế hoạch triển khai từng nhóm trong các năm 2022 và 2023 cùng công tác tổ chức thu thập tài liệu, số hóa hồ sơ, biên soạn tài liệu hướng dẫn và danh sách chuyên gia các bộ môn như công trình, thủy văn, trắc đạc đã được hoàn thành. 


 CBCNV Trung tâm thực hiện công tác đo đạc quan trắc, giám sát an toàn công trình

Ngoài những thành tích nổi bật trong việc quản lý tập trung thông tin kiểm soát an toàn cho các công trình thủy điện, Chi bộ Trung tâm còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng ủy Công ty giao: chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng; tham gia các hoạt động chào đón sự kiện kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký kết Hiệp định Hợp tác Việt Nam - Lào.

Có thể nói, Trung tâm đã quản lý tập trung thông tin kiểm soát an toàn cho các công trình trên cơ sở kết nối tín hiệu các thiết bị quan trắc giám sát công trình; thu thập, phân tích đánh giá và xử lý số liệu chuyên nghiệp, đảm bảo tính khách quan, trung thực. Qua đó, giúp EVN và Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ra quyết định vận hành hồ chứa trong mùa lũ linh hoạt, phù hợp với dự báo theo thời gian thực; đem lại lợi ích tổng hợp cao hơn cho hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Đà.

Là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, thực hiện các mục tiêu: Cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ; Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc: Thủy điện Sơn La trong gần 10 năm vận hành đã sản xuất được 95,62 tỷ kWh điện lên hệ thống điện quốc gia song vẫn đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa và đảm bảo an toàn công trình. Trong đó, Trung tâm KSAT đóng vai trò không nhỏ trong việc thực hiện sứ mệnh đảm bảo an toàn đập và an ninh năng lượng quốc gia.


 Chi bộ Trung tâm tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên mới

Những nỗ lực, cống hiến của các cán bộ, đảng viên Chi bộ Trung tâm là một điển hình của phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng và và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025; tình hình, kết quả xây dựng các chương trình kế hoạch PTKTXH thực hiện chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo định hướng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Trung tâm kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà - Công ty Thủy điện Sơn La

 


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất