(Danvan.vn) Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, có tôn giáo ngoại nhập và tôn giáo nội sinh; có những tôn giáo có nguồn gốc từ phương Đông như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo; có những tôn giáo có nguồn gốc từ phương Tây như Công giáo, Tin Lành; có những tôn giáo dược thành lập tại Việt Nam như Cao Đài, Hòa Hảo; có những tôn giáo hoàn chỉnh (có hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức giáo hội), có những hình thức tôn giáo sơ khai.
Có những tôn giáo đã phát triển và hoạt động ổn định; có những tôn giáo chưa ổn định. Từ khi xuất hiện, tôn giáo luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa, tinh thần của xã hội, gắn liền với dân tộc và phục vụ lợi ích dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Các tín đồ tôn giáo là một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, những năm qua đất nước ta đã có nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính nhà nước cũng thu được những kết quả khá quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo. Nhờ đổi mới nâng cao chất lượng công tác; chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hoạt động đối ngoại tôn giáo; đấu tranh hiệu quả phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam; giải quyết các kiến nghị chính đáng của các tôn giáo, bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, không làm phát sinh điểm nóng, nhất là trong xử lý vấn đề liên quan đến đất đai,.. nên tình hình tôn giáo ổn định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm cung cấp tài liệu nghiên cứu, tham khảo về vấn đề nêu trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay của TS. Hà Ngọc Anh, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1 nghiên cứu cơ sở lý luận của quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.
Chương 2 phân tích thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.
Chương 3 trình bày các quan điểm, phương hướng và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tôn giáo là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp. Việc giải quyết những vấn đề nảy sinh từ tôn giáo cần phải hết sức thận trong, tỉ mỉ và chuẩn xác vừa phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vừa phải mềm dẻo, linh hoạt theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta. Vì vậy, mặc dù đã rất cố gắng trong quá trình nghiên cứu, biên soạn và biên tập, song cuốn sách khó tránh khỏi còn những hạn chế, thiếu sót. Nhà xuất bản và tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để hoàn thiện nội dung cuốn sách trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
PV