(Danvan.vn) Kể từ sau loạt bài “Lá chắn miền biên ải” đoạt Giải A - Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020 do Ban Dân vận Trung ương tổ chức, Tạp chí Dân vận là cơ quan thường trực Cuộc thi, chừng như tôi bắt đầu bén duyên với đề tài Dân vận. Nhiều tác phẩm sau này viết về đồng bào miền núi tôi đều gắn từng câu chuyện của họ với công tác “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng…
|
Nhà báo Alăng Ngước với trẻ em vùng cao Quảng Nam
|
Chuyện dân vận trên chốt gác
Quá trình ngược núi vào đầu tháng 4/2020 theo lệnh của Ban Biên tập Báo Quảng Nam - nơi tôi đang công tác để triển khai loạt bài “Lá chắn miền biên ải”, chúng tôi gặp rất nhiều trở ngại, bởi thời điểm đó cả nước đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19. Phải nhờ người quen mua giúp vài hộp cơm, nước uống mang theo ăn nghỉ dọc đường, chuyến đi để lại rất nhiều kỷ niệm với tôi và những người đồng hành.
Hôm đó, chúng tôi đặt chân đến điểm chốt kiểm soát phòng chống COVID-19 của Đồn Biên phòng Ga Ry (huyện Tây Giang) khi trời cũng vừa chập choạng tối. Núi đang vào mùa mưa dông nên càng rét buốt. Nơi lập chốt của các chiến sĩ, nằm ngay cạnh bìa rừng, ngước nhìn xung quanh chỉ thấy thăm thẳm một màu cây lá. Bữa cơm tối nhanh chóng được dọn ra, Đại úy Phan Minh Xuân - Trưởng chốt gác xã Ga Ry mang chiếc đèn pin trở ra đầu làng, mời vài người dân cùng dùng bữa. Đại úy Xuân nói, sở dĩ đông đủ thành phần, là bởi hôm nay “khánh thành” trại chốt lần thứ 2. Chừng vài ngày trước, sau trận mưa dông tầm tã, lán trại bị bật tung, các chiến sĩ phải tá túc dưới chân sạp còn sót lại. “Cũng may, còn vài tấm bạt nên anh em còn chỗ nương náu” - Đại úy Phan Minh Xuân chia sẻ.
Câu chuyện của Đại úy Xuân bỗng dừng lại, mọi ánh mắt đổ dồn về phía một người đàn ông trước mặt. “Cũng nhờ có Conh Vương nên mọi việc nhanh chóng được hoàn thành” - Đại úy Xuân khẽ nói, rồi đến vỗ vai người “cộng sự” nhiều năm của đơn vị. Đó là ông Zơrâm Nhúa, người làng Glao, được anh em gọi bằng cái tên thân thuộc là “Conh Vương” (bố của Vương - cách gọi thân thương của đồng bào Cơ Tu). Đại úy Xuân kể, đã nhiều ngày qua, Conh Vương có mặt tại chốt gác, khi thì giúp bộ đội làm lán trại, lúc mang tới vài bó củi khô cho anh em nấu bếp. Không một chút nề hà, việc gì có thể giúp, ông đều sẵn lòng. Một sạp nứa vừa được ông dựng ngay cạnh điểm chốt, sát bên con suối, vừa để tiện theo dõi vừa đỡ bớt những khắc nghiệt “sáng nắng, chiều dông” ở vùng biên này. Ông làm, vì thấy anh em ở chốt chật chội, vất vả, bữa cơm trưa cũng phải chen chúc trong căn lán.
Không chỉ có vậy, từ khi được nghe những thông tin về dịch bệnh, Conh Vương trở thành người tuyên truyền cần mẫn cho cả làng Glao. Từ nhà lên rẫy, gặp ai ông cũng dặn dò về việc ngừng đi lại qua bên kia biên giới, hạn chế đến làng bản khác, tránh tập trung đông người. Ông còn nhắc thêm về việc giữ vệ sinh, thường xuyên sử dụng khẩu trang do Bộ đội Biên phòng cấp phát. Những việc tưởng chừng nhỏ bé, nhưng đã giúp sức rất nhiều cho lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương trong thực thi các giải pháp chống dịch. “Conh Vương và rất nhiều già làng khác ở vùng biên này đều là cộng sự rất nhiệt tình của Bộ đội Biên phòng. Cũng nhờ họ mà nhiều cuộc vận động, tuyên truyền nhanh chóng được triển khai, đem lại hiệu quả thiệt thực trong cộng đồng. Bởi hơn ai hết, người dân tin tưởng vào họ, vào những lời nói đầy trọng lời và uy tín” - Đại úy Xuân cho biết thêm.
Chọn điểm rơi từ “Dân vận khéo”
Xâu chuỗi câu chuyện làm công tác “Dân vận khéo” của cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới Tây Giang, chúng tôi triển khai loạt bài “Lá chắn miền biên ải” đầy cảm xúc. Trong đó, chọn điểm rơi là những câu chuyện đời thường rất thực, ghi dấu ấn đặc biệt về tinh thần gắn kết giữa quân dân biên giới. Tháng 10/2020, tác phẩm này may mắn loạt vào chung khảo và vinh dự được trao Giải A tại Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020.
Tiếp nối niềm vui từ các bài viết về Dân vận khéo, nhiều tác phẩm báo chí của tôi sau này cũng gắn câu chuyện đồng bào vùng cao với công tác dân vận. Đó có thể là những tấm gương điển hình có nhiều việc làm hữu ích của họ cho cộng đồng, thông qua việc hiến đất, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững, xóa bỏ hủ tục lạc hậu… làm thay đổi nhận thức, quan điểm sống cho đồng bào vùng cao. Tôi chú ý xây dựng tác phẩm của mình bằng góc nhìn thực tiễn, mới lạ, mang hơi thở cuộc sống ở vùng cao. Năm 2021, tôi tiếp tục triển khai loạt bài chuyên sâu “Ánh sáng ở vùng cao”, kể lại câu chuyện về tinh thần nêu gương của đảng viên người dân tộc thiểu số trong đời sống cộng đồng. Bằng nỗ lực không mệt mỏi, nhiều năm qua, các đảng viên đã miệt mài cống hiến, góp thêm vào sự đổi thay của miền núi Quảng Nam. Một hành trình “lột xác” được ví như luồng sinh khí mới, bắt nguồn từ tinh thần của những “người con của Đảng”… Mới đây, tác phẩm này vinh dự đoạt Giải B, Giải Báo chí toàn quốc viết về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) năm 2021, tiếp tục khẳng định “thương hiệu” trong công tác dân vận của những đảng viên ở vùng cao Quảng Nam với cộng đồng.
Chọn điểm rơi từ “Dân vận khéo”, tôi nhận thấy mình đang có thêm chút duyên với mảng đề tài tuyên truyền, vận động đặc thù mang câu chuyện đời thực sinh động trong cộng đồng miền núi. Từ cách làm hay của chính quyền và các đảng viên, người có uy tín, công tác Dân vận đang thực sự càng thêm đổi mới, bắt nhịp cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước và địa phương, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc mỗi ngày./.
Alăng Ngước (Báo Quảng Nam)