(Danvan.vn) Chiều 17/7, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số”. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc chủ trì Hội thảo.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội thảo |
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Ban, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành luôn quan tâm đến công tác xây dựng chính sách về sử dụng, tuyển dụng, nâng ngạch đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là người DTTS; thực hiện sự ưu tiên cho các đối tượng dự tuyển là người DTTS trong các cuộc thi tuyển, xét tuyển; bố trí, phân công công tác cho các đối tượng cử tuyển là người DTTS sau khi tốt nghiệp,đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác tuyển dụng, sử dụng trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung nhiều nhưng thiếu cụ thể hướng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Công tác kiểm tra, báo cáo đánh giá chính sách về công tác cán bộ DTTS chưa được chú trọng thường xuyên, chưa được phản ánh kịp thời để bổ sung các chính sách cho phù hợp. Tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS chưa tương ứng với tỷ lệ dân số người DTTS…
Báo cáo của Bộ Nội vụ về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cho biết, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đạt được những kết quả đáng khích lệ, đã có 50.969 lượt người đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; 22.229 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước và 10.516 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học văn phòng...
Công tác tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được triển khai đúng quy định, đảm bảo dân chủ, khách quan, từng bước khắc phục kịp thời sự thiếu hụt trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.
|
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, đại diện các ban, ngành, địa phương đã tham luận các nội dung về tình hình và kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS tại một số địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong thời kỳ mới; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn hiện nay…
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, số lượng này còn vẫn còn thấp, cơ cấu chưa hợp lý; chất lượng, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ DTTS còn hạn chế. Vì vậy, cần phải có những chính sách, giải pháp thích hợp để tạo sự đột phá trong công tác phát triển cán bộ DTTS và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.
Còn Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, hiện nay công tác tổ chức cán bộ đối với người DTTS còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, càng ở cấp quản lý cao, tỷ lệ cán bộ là người DTTS càng ít. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác đào tạo chưa gắn với quy hoạch; nhiều địa phương có tỷ lệ người DTTS rất lớn, nhưng số người tham gia vào hệ thống lãnh đạo các cấp lại rất ít. Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ là người DTTS, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng môi trường chính sách, thúc đẩy hoạt động có hiệu quả của các tổ chức địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ các cấp ở vùng dân tộc; xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ và khuyến khích cán bộ, công chức vùng dân tộc…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW nêu rõ, hiện nay cả nước có 53 DTTS, sinh sống thành cộng đồng tại 51 tỉnh, thành phố; số huyện, xã có đồng bào dân tộc sinh sống khá lớn. Nhà nước đã ban hành 118 chính sách đối với đồng bào DTTS bao gồm 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp. Tuy nhiên, chính sách này vẫn dàn trải và cần có giải pháp giải quyết tốt hơn. Tỉ lệ thoát nghèo ở vùng DTTS chưa cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do là chất lượng của công tác cán bộ tại vùng có đồng bào DTTS sinh sống. Tới đây, cần tính toán hợp lý để tỷ lệ cán bộ là người DTTS làm việc tại vùng đồng bào DTTS tương ứng tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống trong vùng.
|
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Đồng chí Trương Thị Mai cũng đề nghị các cơ quan chức năng lý giải tại sao cán bộ là người DTTS chỉ tập trung vào một số lĩnh vực trong bộ máy nhà nước mà không có mặt ở khắp các lĩnh vực? Vì sao cán bộ là người DTTS có mặt ở đơn vị hành chính cấp thấp và giảm dần ở cấp Trung ương?
Trên cơ sở Hội thảo này, đồng chí Trương Thị Mai mong muốn Bộ Nội vụ phối hợp Ủy ban Dân tộc tập hợp số liệu, các ý kiến thảo luận, kiến nghị liên quan đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc. “Cần phải có chính sách đặc thù để thúc đẩy các mục tiêu của Đảng đối với vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh hơn. Bình đẳng về cơ hội là điều này rất quan trọng. Làm sao để đồng bào hòa nhập trong hệ thống chính trị. Hãy cho đồng bào DTTS cơ hội để bình đẳng chứ không phải mãi là chính sách ưu tiên” - đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Tin và ảnh: Hà Thanh