|
Quang cảnh Hội thảo |
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ: Dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, thực tiễn phát triển của đất nước, thời gian qua nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, về tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài… đã được Đảng và Nhà nước ta xây dựng, bổ sung và ngày càng hoàn thiện, qua tổ chức triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả thiết thực, tích cực trong đời sống xã hội.
Những kết quả quan trọng trong công tác dân vận đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước chân chính, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo trong nhân dân; huy động được nguồn lực to lớn của nhân dân cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; tiếp tục khẳng định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ mới.
Những cách tiếp cận mới, mang tính biện chứng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận đã được nhiều văn kiện của Đảng khẳng định. Đặc biệt, Nghị quyết số 25-NQ/TW nhấn mạnh và Kết luận số 43-KL/TW về công tác dân vận khẳng định lại quan điểm xuyên suốt là: Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Qua đó cũng đồng thời đảm bảo cho việc triển khai công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, hệ thống và đồng bộ.
Đất nước đang trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng đang đặt ra nhiều vấn đề mới, cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng thay mặt Ban Tổ chức gợi mở những chủ đề chính, nội dung trọng tâm để các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất phương hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong bối cảnh mới.
|
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại Hội thảo |
Hội thảo đã lắng nghe 08 phát biểu của các đồng chí là lãnh đạo: Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định và nhà nghiên cứu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; cùng 18 tham luận gửi tới hội thảo, với nhiều góc nhìn khác nhau đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ban, bộ, ngành, tổ chức, địa phương. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo kết luận hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp, phát biểu và tham luận có chất lượng của các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, cán bộ, chuyên gia nghiên cứu đem tới thành công của hội thảo. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để hoàn chỉnh đề tài khoa học quốc gia, bổ sung hoàn thiện cho dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Tổng hợp từ phát biểu khai mạc đề dẫn đến các ý kiến trao đổi thảo luận, đồng chí Trương Thị Mai nêu khái quát 3 câu hỏi lớn, mong muốn các đại biểu tiếp tục quan tâm nghiên cứu làm rõ, đó là: (1) Quan điểm của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới? (2) Đảng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với công tác dân vận như thế nào? (3) Tác động của kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế đến công tác dân vận và đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của Đảng như thế nào? Trả lời những câu hỏi này chính là mục tiêu của hội thảo, của đề tài khoa học cấp quốc gia, mà mục đích cuối cùng nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng trong quá trình phát triển đất nước hiện nay – Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định.
Nói về dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã được Trung ương cho ý kiến, đang được hoàn thiện và sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vào tháng 3/2019, có những nội dung mới, quan trọng về chủ đề, về công tác dân vận, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa con người Việt Nam; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng...
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết đặt ra những mục tiêu quan trọng trong phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045, để đời sống nhân dân nâng cao, đất nước phát triển vững mạnh hơn. Đồng chí Trương Thị Mai chỉ rõ: Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi tiếp tục có sự đổi mới, thay đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị. Do vậy cần sự nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vào cuộc phối hợp, tham mưu, góp sức triển khai, tổ chức thực hiện từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận.
|
Đồng chí Trương Thị Mai trao đổi với các đại biểu bên lề Hội thảo |
Nhân dịp này, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân trên cơ sở quan điểm nhất quán của Đảng: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân; bài học về: không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế… phải tìm hiểu những gì tác động đến lòng tin, quan hệ Đảng – dân hiện nay; động lực để người dân gắn bó với Đảng, đi theo Đảng là gì?... Qua đó trong thực hiện nhiệm vụ phải quan tâm thực sự đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân, để người dân thực sự làm chủ, tham gia vào mọi mặt đời sống xã hội, đóng góp cho phát triển.
Thống nhất với phát biểu khai mạc đề dẫn và các ý kiến thảo luận tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Phải coi công tác dân vận là nhiệm vụ gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong đó, các cơ quan nhà nước quan tâm làm tốt công tác dân vận, trước hết là làm tốt chức năng, chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao; hoàn thể thể chế, chính sách, pháp luật để chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống...
Ôn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm Dân vận: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” và bài học đối với người làm công tác dân vận cần “thực tâm, thực chất”, “nói đi đôi với làm”, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu phải tiên phong, nêu gương về tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống; trong quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công việc, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người dân tin tưởng, đồng thuận với Đảng, Nhà nước, đoàn kết góp sức xây dựng đất nước ngày càng phát triển vững mạnh.
Phan Thanh