Thứ Năm, 2/1/2025
Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp 6 tháng đầu năm 2020

Tham gia chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Vĩnh Tân, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Minh Khái, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ.

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Nguyễn Phước Lộc, Bùi Tuấn Quang, Nguyễn Lam, Đỗ Văn Phới; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan tới tất cả mọi người dân. Vì vậy, việc xác định rõ các đối tượng, phạm vi, nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận chính quyền để phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn, đóng một vai trò quan trọng.

 
 Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cần đi sâu nghiên cứu và quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp. Trong đó, Đảng lãnh đạo công tác dân vận chính quyền phải xác định rõ vai trò của nhân dân, của công tác dân vận nói chung và công tác dân vận chính quyền nói riêng; xây dựng “chính quyền kiến tạo, dân vận kiến tạo”. Đảng lãnh đạo công tác dân vận chính quyền phải gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện công tác dân vận chính quyền là nhiệm vụ của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước. Gắn việc thực hiện dân vận chính quyền với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với hoạt động chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.

Đồng thời, công tác dân vận chính quyền phải đảm bảo thực hành dân chủ rộng rãi nhất trong hoạt động của các cơ quan chính quyền các cấp, thực hành dân chủ XHCN, thực hành dân chủ trong xã hội. Chất lượng hiệu quả công tác dân vận chính quyền phải được đánh giá bởi chất lượng, hiệu quả của công tác lãnh đạo, quản lý và đổi mới nội dung phương thức vận động nhân dân của cấp chính quyền. 

 Đến nay, 61 tỉnh, thành phố đã đăng ký 36.498 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Một số tỉnh, thành có số lượng lớn đăng ký mô hình, điển hình, bước đầu tổ chức thực hiện có hiệu quả như: Thành phố Hà Nội 10.433 mô hình, tỉnh Thái Nguyên 6.496 mô hình, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Yên Bái có trên 5.000 mô hình, An Giang 2.660 mô hình, Sơn la 2.000 mô hình, Quảng Ngãi 1.273 mô hình, Hưng Yên 1.242 mô hình, Ninh Bình 1.045 mô hình,  Hải Dương trên 1.000 mô hình.

Tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc đã trình bày dự thảo Báo cáo Kết quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp 6 tháng đầu năm 2020, trong đó khẳng định: Sáu tháng đầu năm 2020, cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp đã bám sát Kế hoạch thực hiện “Năm dân vận khéo” 2020 của Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Chính phủ và phương châm hành động Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; chủ động lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với từng địa phương, đơn vị và quyết liệt, đồng bộ hơn trong triển khai, thực hiện. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường; đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân, chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước chính quyền các cấp được nâng lên; việc cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận được triển khai tích cực.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu được quan tâm chú trọng, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân được kịp thời giải quyết. Công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả, tính công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, chỉ số cải cách hành chính và đánh giá hài lòng của người dân cao hơn so với cùng kỳ; dân chủ được mở rộng đã tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ, công chức; công tác phối hp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dự thảo Báo cáo chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp 6 tháng qua. Đó là: Đại dịch Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến nước ta, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, đối thoại, tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, còn tình trạng giải quyết kéo dài quá thời hạn quy định gây bức xúc ở một số địa phương. Ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền. Kết quả thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” một số địa phương, cơ sở còn hạn chế...

 
 Quang cảnh Hội nghị


Gắn công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Nhấn mạnh đến những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thực hiện, đưa ra nhiều giải pháp, mô hình "Dân vận khéo" để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống được tăng cường. Công tác cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được cấp uỷ, chính quyền thực hiện nghiêm túc; dân chủ, công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quán triệt thực hiện trong cả hệ thống chính trị và đạt kết quả; kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ cũng được thực hiện tốt và đạt kết quả tích cực.

"Thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền đã góp phần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Công tác dân vận, dân chủ luôn gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và triển khai các cuộc vận động, phong trào do Trung ương phát động" - đồng chí Lê Vĩnh Tân khẳng định.

Sáu tháng đầu năm cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp đã tiếp 165.198 lượt công dân với 134.277 vụ việc, có 1.642 đoàn đông người (giảm 9,4% số lượt người, giảm 16,4% số đoàn đông người, tăng 8,1% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2019); đã giải quyết 9.904/13.889 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 71,3%).

Đề cập đến kết quả thực hiện công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: 6 tháng qua, công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội. Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm 23,1% số lượt người, 32,6% số vụ việc, 41,1% lượt đoàn đông người so với cùng kỳ năm 2019. Việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện...

Lan tỏa các mô hình, điển hình "Dân vận khéo"

Thống nhất với dự thảo Báo cáo, các ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành tại Hội nghị tập trung phân tích, đánh giá, đề ra giải pháp cho công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp trong 6 tháng cuối năm 2020.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh các kết quả nổi bật của công tác dân vận chính quyền 6 tháng đầu năm 2020 trong đó kết quả to lớn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 và những nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" hiện nay chính là thành công lớn nhất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tiếp tục quan tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; thực hiện tốt 6 nội dung của dân vận chính quyền nhất là trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhiều vụ việc do lãnh đạo Chính phủ trực tiếp giải quyết đã đem lại kết quả khả quan. Quan hệ phối hợp trong thực hiện công tác dân vận giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị càng ngày tốt hơn, hiệu quả hơn.

 
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị

“Qua công tác dân vận chính quyền, hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức đẹp hơn trong mắt người dân, người dân quan tâm tham gia góp ý để xây dựng chính quyền ngày càng tốt hơn”, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá.

Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cơ quan cần xem dân vận chính quyền là trọng tâm trong toàn bộ công tác dân vận của hệ thống chính trị; công tác dân vận chính quyền cần được triển khai mạnh mẽ để đi vào thực chất, tạo động lực để người dân tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định cũng như thực thi chính sách.

Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng các nội dung trong công tác dân vận chính quyền; đặc biệt cần đổi mới cách làm để tiếp tục lan tỏa các mô hình, những điển hình "Dân vận khéo" trong các cơ quan hành chính, chính quyền các cấp, qua đó người dân có cái nhìn tích cực, niềm tin lớn lao hơn đối với cán bộ, công chức và với Đảng, Nhà nước.

Tin và ảnh: Hà Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất