|
Quang cảnh Hội nghị
|
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban; các đồng chí Phó Trưởng Ban: Nguyễn Lam; Bùi Tuấn Quang, Nguyễn Văn Phới; cùng lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị thuộc Ban Dân vận Trung ương.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 14 đến 18/12/2020, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ 14. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận và thông qua nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (trình Đại hội XIII).
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng thảo luận và thông qua: Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII; tiếp tục thực hiện công tác nhân sự Đại hội XIII; thảo luận và cho ý kiến một số nội dung về tổ chức Đại hội XIII và một số vấn đề quan trọng khác.
Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai thông báo khái quát lại năm nội dung quan trọng được thảo luận và thông qua tại Hội nghị Trung ương 14.
Thứ nhất, về việc tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XIII, các Ủy viên Trung ương đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào Báo cáo tiếp thu, giải trình và toàn văn các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII với tinh thần cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và toàn văn dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau. Từ đó, xem xét, thông qua nội dung các dự thảo văn kiện để hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng.
Thứ hai, về giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII,Ban Chấp hành Trung ương xác định việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII là công việc kế thừa, tiếp nối của công tác quy hoạch cán bộ, rất hệ trọng và liên quan đến thành công của Đại hội XIII của Đảng và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến một cách thẳng thắn, xây dựng, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII.
Thứ ba, về dự thảo Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII của Đảng, Trung ương xác định việc ban hành và tổ chức thực hiện tốt các Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII của Đảng là công việc có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm thành công của Đại hội.
Trên tinh thần đó, các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Quy chế làm việc và dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội lần này, bảo đảm thực hiện đúng Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; chủ động đề phòng và kiên quyết đấu tranh với những việc làm tiêu cực, sai trái có thể xảy ra.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị, căn cứ kết quả thảo luận của Trung ương, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo để trình Đại hội XIII xem xét, quyết định. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng cho ý kiến về thời gian, nội dung, Chương trình Đại hội XIII.
Thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ khoá XII; Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII; và Báo cáo các công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 13 đến Hội nghị Trung ương 14.
Thứ năm, tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2016 - 2021) vì đã vi phạm kỷ luật rất nghiêm trọng.
Về thực hiện công tác dân vận, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương đã có những đánh giá cụ thể về công tác dân vận. Đó là: Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo chỉ đạo, chỉ đạo công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân kiện toàn tổ chức cán bộ, đổi mới nội dung phương thức hoạt động; đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị: tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và chính quyền, tập hợp nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đổi mới với nhiều nội dung phương thức thực hiện, cơ chế phối hợp. Trong đó, chú trọng chỉ đạo chặt chẽ việc đổi mới tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, đáp ứng với các cam kết quốc tế và xu thế gia tăng đoàn viên khu vực doang nghiệp ngoài nhà nước.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đống bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; cho ý kiến về Đề án tăng cường vận động các tôn giáo, củng cố hệ thống chỉnh trị ở cơ sở. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, Quy chế dân chủ ở cơ sở…
Tại Hội nghị này, đồng chí Trương Thị Mai cũng nêu những khuyết điểm, hạn chế của công tác dân vận trong thời gian qua được ghi trong báo cáo như chưa tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc, vụ việc phức tạp kéo dài trong nhân dân; một số cán bộ làm công tác dân vận còn hạn chế về trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa đồng đều ở các cấp, các tổ chức…
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được trong năm 2020; nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2020 cũng như toàn nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Hoàng Phong