Thứ Năm, 2/1/2025
Hội nghị Tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng

 Quang cảnh Hội nghị

Tới dự tại điểm cầu Trung tâm ở Hà Nội có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Cùng dự tại điểm cầu trung tâm Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước có hơn 3.000 đại biểu là các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và các ban, bộ, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, thành viên Hội đồng công tác quần chúng Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo Trung ương, Ban Dân vận cấp ủy các cấp…

Những thành tựu của đất nước có vai trò, sự đóng góp tích cực của công tác dân vận

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng trong bối cảnh chịu nhiều tác động của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 và thiên tai liên tục xảy ra; đất nước vẫn đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại… đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận thời gian qua. Đồng chí tâm đắc chỉ ra 02 trong số các nguyên nhân làm nên thành tựu của đất nước, gần với công tác dân vận, đó là:

(1) Phát huy được sự ưu việt của hệ thống chính trị nước ta. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Mặt trận, đoàn thể nhân dân ở các cấp, trong lúc bình thường cũng như lúc khó khăn, phức tạp, luôn đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc lên trên hết – Điều đó làm dân tin Đảng hơn, đoàn kết xung quanh Đảng làm nên những thắng lợi mới. (2) Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực của nhân dân, của dân tộc, đó là truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí, sức sống mãnh liệt của dân tộc ta được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới, rất kịp thời, đúng lúc.

Đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định: Làm nên những thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ qua và những nguyên nhân của thành tựu đó, có sự đóng góp tích cực của công tác dân vận của cả hệ thống chính trị.

 


 Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ghi nhận Báo cáo tổng kết của Ban Dân vận Trung ương trình bày tại Hội nghị được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đã đánh giá đầy đủ các thành tựu và thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, tồn tại; qua lắng nghe các ý kiến tham luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng:

Trong nhiệm kỳ qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận đã đạt nhiều thành tích, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết có hiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tích cực góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quan tâm phát huy quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của nhân dân. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước đạt được kết quả tích cực. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, phát huy dân chủ, chủ động tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Những kết quả quan trọng này đã góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhân dịp này, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà các cấp ủy, tổ chức đảng, ngành dân vận đạt được trong năm 2020 và nhiệm kỳ vừa qua.

Tán thành phương hướng công tác dân vận đã đề ra trong Báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị Ban Dân vận Trung ương tập trung nghiên cứu, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kịp thời tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội về công tác dân vận.

Trong đó, cần phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận của Đảng theo hướng đổi mới, thiết thực, gắn với đời sống của các tầng lớp nhân dân; lấy cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác dân vận chính là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời phải động viên, tổ chức nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả nhất…

 


  Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị

 

Đối với công tác dân vận chính quyền, đồng chí Trần Quốc Vượng nhắc nhở: Nhà nước ta ra đời từ dân, bộ máy chính quyền của chúng ta gắn với dân, có được sức mạnh nhờ nhân dân, vì vậy, không thể chỉ dùng mệnh lệnh hành chính mà phải chú trọng làm công tác dân vận. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước phải được tăng cường, nhất là công tác dân vận chính quyền, bởi đây là nơi quyết định và cũng là nơi tổ chức thực thi chính sách, pháp luật. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật…

Cán bộ, đảng viên phải “thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; khắc phục tình trạng chậm hoặc không nắm được tình hình nhân dân. Phát huy vai trò nêu gương trong cuộc sống, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo, người đứng đầu. Tập trung xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, tránh để hình thành và lan rộng các điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội.

“Chúng ta làm công tác dân vận phải thực lòng, thực chất, không hình thức, xuất phát từ trái tim mình, với tinh thần phục vụ nhân dân. Cả hệ thống chính trị phải tích cực vào cuộc làm công tác dân vận một cách thực chất.” - Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu.

Tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân sát thực tiễn, có tính thuyết phục cao, phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không ngừng đối mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng… Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhân rộng mô hình, điển hình về công tác dân vận trong hệ thống chính trị…

“Nhiệm vụ công tác dân vận trong thời gian tới rất nặng nề, song phát huy những thành quả và kinh nghiệm đã có, công tác dân vận nhiệm kỳ tới sẽ có bước tiến mới, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta” - Đồng chí Trần Quốc Vượng tin tưởng và khẳng định.

Công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả

 


 Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận tiếp tục đổi mới, chuyển biến tích cực, triển khai có hiệu quả 8 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

“Điều rất đáng ghi nhận đó là, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong công tác dân vận.” - Đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận. Trong đó, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được chú trọng, nhất là công tác dân vận của chính quyền các cấp, đã quan tâm giải quyết kiến nghị, những vấn đề mật thiết, bức xúc trong cuộc sống nhân dân, tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, giám sát, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, nâng cao đạo đức, tinh thần phục vụ Nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết, động viên nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị

Đồng chí Trương Thị Mai cho biết: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Chương trình công tác dân vận  thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Cùng với những nhiệm vụ thường xuyên của công tác dân vận, Ban Dân vận Trung ương lựa chọn trọng tâm đó là Năm đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban Dân vận Trung ương sẽ tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy  mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm để tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy dân chủ trực tiếp, các hoạt động tự quản cộng đồng..., góp phần thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thay mặt Ban Dân vận Trung ương, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai: Để đáp ứng yêu cầu công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo sự chuyển biến thực sự mạnh mẽ trong nhận thức, trong trách nhiệm, trong hành động, trong sự gương mẫu, mà trọng tâm là cuộc sống của nhân dân, là phát triển của đất nước, là sự đồng thuận, lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

 


 Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương trình bày Báo cáo tại Hội nghị

Trước đó, Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng do đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương trình bày tại Hội nghị cho thấy qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác dân vận luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp, đồng bộ, hiệu quả trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận, góp phần tạo sự đồng thuận, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Công tác dân vận đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cơ chế phối hợp trong hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo; góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, phát huy hiệu quả cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của Nhân dân. Công tác nắm tình hình Nhân dân, tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp từ cơ sở ngày càng được tăng cường, đổi mới, chú trọng, phát huy hiệu quả.

Nổi bật là trong công tác tham mưu quán triệt, triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng liên quan đến công tác dân vận, Ban Dân vận Trung ương đã ban hành Chương trình số 31-CTr/BDVTW, ngày 18/5/2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về công tác dân vận với 08 nhiệm vụ trọng tâm; tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư 33 đề án. Hằng năm, kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai các các văn bản mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác dân vận; hướng dẫn Ban Dân vận các cấp xây dựng chương trình công tác dân vận gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị


Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Cấp ủy đảng các cấp và Ban Dân vận cấp ủy cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp sát hợp với địa phương, đơn vị; nhiều tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ban hành nghị quyết chuyên đề và triển khai nhiều đề án về công tác dân vận.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp được tăng cường, đổi mới. Quốc hội tăng cường thể chế đường lối, quan điểm của Đảng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống Nhân dân, quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp; phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp xúc, tổng hợp và giải quyết kiến nghị của cử tri. Hoạt động giám sát tối cao tiếp tục đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, tăng cường giám sát chuyên đề, nhất là những vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, những vấn đề bức xúc.

Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hoá chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội thành chính sách, pháp luật, ban hành nhiều văn bản liên quan đến dân vận, công tác dân vận gắn với chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

 


Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tập hợp các tầng lớp Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tuyên truyền, vận động, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt vai trò cầu nối mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm. Việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài được phát huy ngày càng hiệu quả.

Các cấp ủy đảng ngày càng chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đem lại nhiều hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực trên tất cả các lĩnh vực

Hội nghị đã được nghe 10 tham luận, phát biểu của các đồng chí đại diện lãnh đạo Chính phủ; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Tỉnh ủy, UBND các tỉnh: Lai Châu, Quảng Bình, Gia Lai, Khánh Hòa.

Tin Thành Phan, ảnh Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất