Thứ Hai, 7/10/2024
Ban Dân vận Trung ương đề xuất một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phòng, chống Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh

Doanh nghiệp, người lao động gặp khó khi thực hiện "3 tại chỗ” 

Theo văn bản của Ban Dân vận Trung ương gửi Thủ tướng, hiện nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; hàng trăm nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm.

Một số địa phương chỉ đạo doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh nếu thực hiện đúng “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, làm việc), “1 cung đường - 2 địa điểm” và đã có 4.671 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với hơn 478.000 công nhân lao động “ăn - ngủ - làm việc” tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng “3 tại chỗ” cho công nhân, lao động còn rất hạn chế. Việc “nghỉ tại chỗ” không có thiết kế từ đầu; áp dụng lâu dài “3 tại chỗ” sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người lao động, nhất là người lao động có con nhỏ, bố mẹ già.

Ngoài ra, do nhiều nơi thực hiện giãn cách nên nhiều người lao động không thể đến công ty ký kết văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; thực hiện sao y, công chứng giấy tờ chứng minh mình đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, quyết định nuôi con nuôi... để hưởng chế độ trong gói 26 nghìn tỉ đồng...

Tại TP. Hồ Chí Minh, các bệnh viện, các khu điều trị bị quá tải, thiếu xe cấp cứu; còn tình trạng ca nhiễm F0 chưa kịp đưa đến khu cách ly (chờ từ 3 - 5 ngày) tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao, thậm chí có trường hợp bệnh nhân trở nặng tại nhà, lực lượng y tế chưa kịp cấp cứu dẫn đến tử vong gây hoang mang, lo lắng, đau xót.

Còn tình trạng các bệnh viện chỉ tập trung điều trị Covid-19, không nhận các bệnh nhân cấp cứu các bệnh thường gặp như tai biến, đột quỵ, tai nạn giao thông... 

Lợi dụng tâm lý lo lắng của nhân dân và một số hạn chế nhất định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trên các mạng xã hội xuất hiện hiện tượng công kích, phản ứng với các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch của chính quyền. Dự báo trong thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nghiên cứu sớm triển khai tiêm vắc xin dịch vụ

Trước tình hình này, Ban Dân vận Trung ương đề xuất, kiến nghị thực hiện giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn về thủ tục để người lao động được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời gói hỗ trợ 26 nghìn tỉ.

Tháo gỡ ngay khó khăn trong việc mua các trang thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị bệnh và trang bị bảo hộ lao động để bảo vệ sức khỏe, tính mạng đội ngũ y bác sỹ tuyến đấu chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo cơ sở vật chất, cung ứng suất ăn cho công nhân đảm bảo sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch.

Tập trung mọi nguồn lực và giải pháp nhằm giảm tình hình phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; tiếp tục có phương án giảm giá các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ người dân trong mùa dịch bệnh...

Đồng thời có phương án cho công nhân ở tại chỗ, hỗ trợ họ đảm bảo cuộc sống để khi hết dịch có thể tổ chức sản xuất, kinh doanh ngay, tránh để thiếu hụt nguồn nhân lực lao động sau dịch.

Ban Dân vận Trung ương đề nghị huy động lực lượng quân đội hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng cho công nhân lao động tại các nhà máy, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp đang cố gắng thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo duy trì sản xuất an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng...

Đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tránh tình trạng thiếu vắc xin mà vẫn có vắc xin bị hết hạn; nghiên cứu sớm triển khai tiêm vắc xin dịch vụ để các doanh nghiệp có nhu cầu có thể tổ chức tiệm cho nhân viên.

Cùng với đó là xem xét trong trường hợp cụ thể, có thể tiến hành phong tỏa toàn bộ khu vực xuất hiện F0, không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu tập trung; nghiên cứu lại việc xét nghiệm toàn dân, chỉ áp dụng khi có F0, đồng thời ưu tiên bệnh viện cho điều trị, dồn người cách ly ra khỏi bệnh viện trừ F0 nặng...

Đối với các tỉnh, thành, Ban Dân vận Trung ương đề nghị xem xét có kế hoạch ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân lao động; hỗ trợ đối tượng người lao động tự do như đối tượng không có quan hệ lao động.

Đối với việc chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, Ban Dân vận đề nghị các tỉnh khi thực hiện chính sách này phải đảm bảo sự đồng thuận của người lao động.

Trường hợp người lao động không thể thực hiện “3 tại chỗ” mà phải ngừng việc thì doanh nghiệp phải trả lương ngừng việc theo quy định; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn công nhân, người lao động được hưởng chế độ hỗ trợ trong gói 26 nghìn tỉ....

Ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông về một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Văn phòng Chính phủ cho biết, Ban Dân vận Trung ương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phòng, chống Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao 7 bộ nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, nghiên cứu, xử lý các nội dung đề xuất, kiến nghị của Ban Dân vận Trung ương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.


PV

Gửi cho bạn bè

Các tin khác