Thứ Sáu, 29/11/2024
Dựa vào dân để xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên dưới góc nhìn Dân vận

Các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực; Bùi Tuấn Quang, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban đồng chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Triệu Tài Vinh, Đỗ Văn Phới; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đồng chí Trưởng Ban Dân vận một số Tỉnh ủy khu vực phía Bắc; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương…

Phát biểu đề dẫn, khai mạc hội nghị của đồng chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho thấy công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong từng giai đoạn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng qua các kỳ Đại hội. Trong đó, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, đảng viên ở cơ sở với nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đã được Đảng quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện, đạt được những kết quả tiêu biểu và tiếp tục có vị trí quan trọng, cấp thiết đối với công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.


Đồng chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị


Gắn với chủ đề này, hội nghị được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu cả về lý luận và thực tiễn để hoàn thiện báo cáo chuyên đề của Ban Dân vận Trung ương, góp phần tổng kết Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) 
"Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" và Đề án của Ban Tổ chức Trung ương “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” dự kiến trình Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Mối quan hệ Đảng – Dân được quan tâm tăng cường, đổi mới

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương chỉ rõ qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, để mối quan hệ Đảng - Dân được tăng cường, thắt chặt hơn.

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, những năm qua, cấp ủy các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn địa phương. Tiêu biểu như ở TP. Hồ Chí Minh có quy định tất cả đảng viên phải làm công tác vận động quần chúng ở nơi cư trú (bao gồm cả đảng viên đang công tác); tỉnh Trà Vinh có quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương định kỳ 3 tháng kiểm điểm công việc trước dân; tỉnh Đồng Tháp thực hiện quy định “Ngày Thứ 6 nghe dân nói”, để mọi cán bộ, đảng viên phải về cơ sở lắng nghe dân; tỉnh Bến Tre có chủ trương “Tỉnh nắm xã, huyện nắm ấp, xã nắm hộ gia đình”...

Nhờ đó mối quan hệ gắn bó giữa Đảng - Dân được tăng cường; những bức xúc trong dân, những vấn đề nhân dân quan tâm được lắng nghe, giải quyết hiệu quả hơn; năng lực lãnh đạo, điều hành, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. “Hoạt động của đảng viên thể hiện sinh động nhất hình ảnh của Đảng trong cuộc sống hàng ngày. Người dân không biết Đảng ra nghị quyết như thế nào nhưng nhìn vào người đảng viên để đánh giá Đảng” – đồng chí Đỗ Văn Phới nhận định.

Phát biểu của đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương bổ sung, gợi mở: Hiện nay các vấn đề mới xuất hiện tốc độ nhanh hơn, cường độ mạnh hơn, quyết liệt hơn đòi hỏi người làm công tác Đảng, công tác dân vận phải nhanh nhạy, nắm bắt và giải quyết kịp thời. Trình độ quần chúng đã được nâng cao; khả năng tương tác giữa quần chúng với cấp ủy, đảng viên nhanh chóng, trực tiếp; khoa học công nghệ, thông tin truyền thông phát triển làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp… Đòi hỏi việc tuyên truyền, vận động, xây dựng mối quan hệ Đảng với nhân dân phải được đổi mới so với trước đây.

Đồng chí Triệu Tài Vinh cho rằng các giải pháp đưa ra cần bảo đảm có cơ chế, quy định cụ thể để thực hiện; phát huy được vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu; gắn với tăng cường, đổi mới phương thức vận động, tương tác để người dân hiểu và ủng hộ…


 PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại hội nghị


Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đồng tình với cách đặt vấn đề, các nội dung Dự thảo Báo cáo chuyên đề đưa ra bởi cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên ở cơ sở là nơi gần dân, sát nhân nhất; đánh giá việc xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp ủy, đảng viên với nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng đảng và đội ngũ đảng viên ở đây là trúng và đúng nhất.

PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc cho rằng cơ sở quan trọng để đánh giá hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên là kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông qua 6 phương thức lãnh đạo của Đảng, việc tuân thủ các quy định, quy chế của Đảng. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là việc công khai, minh bạch để nhân dân tin tưởng, tham gia xây dựng Đảng.

“Tất cả mọi việc làm của tổ chức đảng, đảng viên, người dân ở cơ sở biết hết, vì vậy tổ chức cơ sở Đảng phải có nghị quyết, cơ chế cụ thể để nhân dân tham gia góp ý, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và từng đảng viên” - PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc gợi mở.

Đồng chí mong muốn các giải pháp đưa ra phải rất cụ thể, sát vấn đề của người dân, dựa trên những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đúc kết từ truyền thống của dân tộc như: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”...


 Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất đánh giá về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với dân chủ yếu, thể hiện rõ nét nhất ở cấp cơ sở.

Từ thực tiễn ở Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Hồi cho rằng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên phải phát huy vai trò lãnh đạo để người dân được làm chủ, đúng theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân được thụ hưởng”, khi người dân có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, thì người dân mới gắn bó mật thiết, tin tưởng ở Đảng.

 “Theo kinh nghiệm của tỉnh thì người dân có những quan tâm chủ yếu về: (1) Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn để yên tâm sản xuất, đầu tư, phát triển. (2) Quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản người dân đóng góp. (3) Kết quả thanh tra, kiểm tra, kết luận xử lý cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là cấp xã, huyện khi có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng...

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị tổ chức đảng, đảng viên ở cơ sở lãnh đạo thực hiện công khai, minh bạch theo Pháp lệnh 34 và Luật Tiếp cận thông tin để người dân trên địa bàn nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên cũng đã nghiêm túc trưng cầu, lấy ý kiến rộng rãi, để dân được biết, được bàn, được tham gia hiến kế nên nghị quyết, chính sách, đề án của tỉnh khi triển khai được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, nhanh chóng đi vào cuộc sống.” – Đồng chí Nguyễn Văn Hồi cho biết.


Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu kết luận hội nghị


Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đồng tình với Dự thảo Báo cáo chuyên đề do Ban Dân vận Trung ương chuẩn bị và đánh giá các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; về tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; về đảng viên giữ mối liên hệ với cấp ủy, nhân dân nơi cư trú... đã được các địa phương trong tỉnh triển khai cụ thể, cơ bản thực hiện tốt. Nhưng qua thực tiễn triển khai có một số hạn chế như: Chưa rõ cơ quan chủ trì việc đo lường mức độ niềm tin của nhân dân; chưa có phương pháp, công cụ đánh giá, đo lường niềm tin của nhân dân với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm tổ chức cơ sở đảng đối với các vấn đề của nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đảng về vấn đề chưa sâu sát.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh kiến nghị để Ban Dân vận Trung ương là cơ quan chủ trì đánh giá mối quan hệ, niềm tin của nhân dân với Đảng. Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ, phương pháp đánh giá đo lường niềm tin, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Sớm ban hành Luật về dân chủ ở cơ sở để có quy chuẩn hành chính, chế tài cho các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện…

Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương đã có những ý kiến đóng góp sâu sát, thiết thực, cụ thể, gắn với lĩnh vực chuyên môn do vụ tham mưu, nghiên cứu, phụ trách.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cảm ơn, ghi nhận những ý kiến, tham luận sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để Ban Dân vận Trung ương tiếp tục hoàn thiện báo cáo chuyên đề.

Đồng chí Phạm Tất Thắng chỉ đạo tiếp thu bổ sung, điều chỉnh một số nội dung để chuyên đề bám sát, đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và vai trò, vị trí của nhân dân; trên cơ sở đó đánh giá đúng thực trạng mối quan hệ của Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng ở cơ sở, việc dựa vào nhân dân để xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; nêu bật được những kết quả tiêu biểu, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra các kiến nghị, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp trong thời gian tới…

Phan Thanh

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất