Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban xây dựng đảng; Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh làm việc với Đoàn.
|
Quang cảnh buổi làm việc
|
Báo cáo tóm tắt Tổng kết về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên (giai đoạn 2010 – 2021) do đồng chí Lê Thị Hường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày tại buổi làm việc cho thấy: Trong những năm qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng đảng nói chung, về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên nói riêng.
Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp qua các nhiệm kỳ; ban hành các nghị quyết, kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận, đề án của Tỉnh ủy đã ban hành từ các nhiệm kỳ trước, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tiếp tục thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Tiêu biểu trong đó là Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 01/11/2006 "về tăng cường chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng tại các thôn, bản chưa có chi bộ"; Kết luận số 330-KL/TU, ngày 13/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "về tăng cường chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng tại các thôn, bản chưa có chi bộ" giai đoạn 2011-2015...
Kết quả về kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, tỉnh đã sáp nhập giảm 35 tổ chức cơ sở đảng; chuyển giao giảm 16 chi bộ cơ sở từ trực thuộc huyện ủy, thành ủy sang trực thuộc đảng ủy cơ sở; giải thể chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn để đưa đảng viên là cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn về sinh hoạt đảng tại các chi bộ khu dân cư (theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Kết luận số 38-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII); sáp nhập giảm hàng trăm chi bộ thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, trường học, trạm y tế sau khi các đơn vị trên thực hiện sáp nhập theo quy định...
Việc xây dựng chi bộ, tổ chức đảng ở những nơi khó khăn, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp cụ thể. Nhờ đó, giai đoạn 2010 - 2015 đã thành lập được 205 chi bộ ở những bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên. Từ năm 2015, toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế có chi bộ.
|
Đồng chí Lê Thị Hường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên
|
Nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng từng bước đổi mới, gắn lãnh đạo công tác xây dựng Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể; việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, duy trì nghiêm túc chế độ, các nguyên tắc, phát huy dân chủ trong sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ được quan tâm thường xuyên...
Tỉnh đẩy mạnh luân chuyển, điều động cán bộ từ huyện về xã để kiện toàn cấp ủy cơ sở. Từ năm 2010 - 2020 đã luân chuyển, điều động 297 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã; tăng cường 21 cán bộ Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy và giữ chức vụ bí thư, phó bí thư ở 21/22 xã biên giới; các đồn Biên phòng giới thiệu 84 đảng viên tham gia sinh hoạt ở các chi bộ bản, phân công 315 đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới...
Công tác phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư cấp ủy, chi bộ được quan tâm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; chất lượng kết nạp đảng viên được nâng lên.
Tính từ ngày 31/12/2010 đến 31/12/2020, toàn tỉnh kết nạp 15.980 đảng viên mới, đạt 159,8% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh đề ra là hàng năm kết nạp hơn 1.000 đảng viên. Trong đó, kết nạp 10.653 đảng viên (với 7.223 đảng viên là người dân tộc thiểu số) ở xã, phường, thị trấn vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 58,98% đảng viên được kết nạp trong toàn đảng bộ tỉnh, nâng tổng số đảng viên trong tỉnh lên 29.849 (tăng 1,81 lần so với năm 2010).
Nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 101/106 xã, phường, thị trấn thường trực cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã (trong đó có 63 bí thư, 38 phó bí thư). Cơ bản các tổ chức cơ sở đảng kiện toàn cấp ủy theo hướng bí thư là thủ trưởng hoặc thành viên trong lãnh đạo cơ quan, đơn vị để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung, thống nhất. Có 648/956 trưởng bản, tổ dân phố là đảng viên, đạt 67,78%; 206/956 bí thư chi bộ kiêm trưởng bản, tổ dân phố, đạt 21,86%.
Nhìn chung, đội ngũ đảng viên, cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, chi bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, có ý thức trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất trong tập thể, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng chính sách, pháp luật của nhà nước...
Từ kết quả đạt được, tỉnh đã rút ra 05 bài học kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân và đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng tổ chức cơ sở đảng; 5 nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng đội ngũ đảng viên trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã trao đổi, làm rõ hơn thực trạng, giải pháp, bài học kinh nghiệm của tỉnh Lai Châu trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng đảng viên; tuyên truyền, vận động, phát triển đảng viên trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiện toàn và sắp xếp các mô hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp thực tiễn; việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, trong tham gia xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
|
Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi làm việc
|
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thẳng thắn nhìn nhận Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, có nhiều xã vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một bộ phận người dân thường xuyên đi làm ăn xa nhà... Nên việc phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên khó khăn hơn gấp nhiều lần so với miền xuôi.
Với quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ tỉnh và cấp ủy các cấp trong công tác phát triển tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; đặc biệt là việc xóa thôn, bản trắng đảng viên, phát triển đảng viên để làm nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; trong quán triệt, tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, phòng chống dịch bệnh, thiên tai… thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng.
“So với khi mới tách tỉnh và 10 năm trước, đội ngũ cán bộ ở các xã hiện đã được thay thế, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, từng bước đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Chất lượng, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở và đội ngũ đảng viên đã được nâng lên.” – đồng chí Giàng Páo Mỷ khẳng định.
Đồng chí Giàng Páo Mỷ cho biết để gần dân, sát dân và nâng cao chất lượng công tác đảng, đảng viên ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện dự sinh hoạt với đảng ủy xã, ở chi bộ thôn, bản khó khăn.
Thời gian qua cũng là giai đoạn tỉnh đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy điện được triển khai, tuy có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhưng nhờ đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là ở cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm, gương mẫu, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quan tâm lắng nghe, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nên tỉnh không có “điểm nóng”; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước…
“Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, tạo cơ hội việc làm phù hợp cho thanh niên, người trong độ tuổi lao động tại chỗ gắn bó, ở lại địa phương là một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo nguồn để phát triển đảng viên” – đồng chí Giàng Páo Mỹ chia sẻ một trong những giải pháp để xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong thời gian tới...
|
Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu kết thúc buổi làm việc
|
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn công tác ghi nhận, chúc mừng những kết quả mà tỉnh Lai Châu đạt được qua 10 năm triển khai thực hiện công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đội ngũ đảng viên. Kết quả này được thể hiện rõ thông qua các báo cáo chuyên đề đã được chuẩn bị kỹ, cùng các ý kiến phát biểu, trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, qua đó giúp Đoàn khảo sát nắm được tình hình, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh trong thời gian tới.
Đồng chí Phạm Tất Thắng cho rằng những khó khăn cả về chủ quan và khách quan của tỉnh trong những năm qua càng làm nổi bật hơn nỗ lực, quyết tâm, vai trò của Đảng bộ tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng nói chung, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên nói riêng. Nhờ đó đến nay 100% thôn, bản đều có chi bộ; công tác phát triển đảng viên mới đạt hơn 159,8% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 đề ra; chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao.
Qua củng cố, sắp xếp, kiện toàn, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh ngày càng được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức đảng, quản lý đảng viên được tăng cường. Các tổ chức cơ sở đảng đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh...
Ghi nhận, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của tỉnh với Trung ương để phản ánh vào báo cáo của đoàn công tác, đồng chí Phạm Tất Thắng đề nghị tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo theo các nội dung đã trao đổi, thảo luận và làm rõ thêm căn cứ của các kiến nghị.
|
Đồng chí Sùng A Nủ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Phong Thổ phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác tại huyện
|
* Trước đó, sáng ngày 3/12, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XIII “về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” do đồng chí Phạm Tất Thắng làm Trưởng đoàn đã tới làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Thổ (tỉnh Lai Châu). Dự làm việc với đoàn có các đồng chí: Lê Thị Hường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Sùng A Nủ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Phong Thổ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; đại diện lãnh đạo các ban xây dựng đảng, HĐND, UBND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện; bí thư đảng ủy thị trấn và các xã trong huyện...
Đoàn công tác đã nghe báo cáo, trao đổi, nắm tình hình, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm phát triển đội ngũ đảng viên trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có niềm tin tôn giáo, trong nông dân; việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp ngoài nhà nước; đưa đảng viên ở xã về sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng thôn, bản, khu dân cư; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản; vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; hướng về cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết vướng mắc trong nhân dân… Đoàn cũng tiếp thu, trao đổi làm rõ hơn về các kiến nghị, đề xuất của huyện.
Phan Thanh