Thứ Năm, 25/4/2024
Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương làm việc tại tỉnh Hà Giang

Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang chủ trì buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các chương trình: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo; Cải tạo vườn tạp; Phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Theo đó, sau hơn 2 năm (7/2019 - 11/2021) tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nhà ở theo hình thức xã hội hóa, tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tham gia ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân. Toàn tỉnh đã có 5.131/6.680 hộ gia đình triển khai hoàn thành việc xây dựng nhà ở, gồm 239 hộ gia đình chính sách, người có công; 557 hộ cựu chiến binh nghèo; 1.844 hộ nghèo xã biên giới và 2.491 hộ nghèo xã hội. Tổng trị giá các căn nhà sau khi hoàn thành trên 588 tỷ đồng.

Qua chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển vùng chuyên canh năng suất, chất lượng cao; tỉnh Hà Giang đã vận động nhân dân cải tạo 2.616 vườn tạp, tổng diện tích gần 290 ha.

Trong phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành các nghị quyết, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện với nhiều đề án, chương trình sáng tạo, sát thực tiễn... Nhiều khu du lịch, điểm du lịch được hình thành, các làng văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến với tỉnh, lượng khách du lịch tăng bình quân trên 50%/năm.


Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang tóm tắt kết quả thực hiện các chương trình tại buổi làm việc

Công tác xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của nhân dân được bảo tồn và phát huy như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian… đã tạo nên bản sắc riêng, độc đáo của tỉnh. Đến nay có 100% các huyện, thành phố; 134/193 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân…

Kết quả thực hiện các chương trình nêu trên đã giúp người dân trong tỉnh, nhất là người trong diện được hưởng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn có động lực vươn lên, thoát nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống; văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy; góp phần giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong các chương trình mục tiêu Quốc gia; đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển ổn định theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống…

Các đại biểu dự buổi làm việc cũng trao đổi, làm rõ thêm về những thuận lợi, khó khăn, kết quả trong triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án của tỉnh có liên quan; qua đó rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo, tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, cần có sự vào cuộc vừa quyết liệt, vừa kiên trì, thường xuyên, liên tục, bài bản của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. 


 Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận qua chuyến nghiên cứu, khảo sát thực tiễn địa phương và các ý kiến trao đổi đã thấy được công tác dân vận của tỉnh Hà Giang có nhiều cách làm hay, được triển khai thực hiện bài bản, phù hợp địa phương, cơ sở.

Từ thực tiễn công tác dân vận với các mô hình, điển hình Dân vận khéo tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang và một số tỉnh, thành khác, Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, để hướng dẫn triển khai, nhân rộng trên cả nước.

Đồng chí Triệu Tài Vinh cũng trao đổi, gợi mở với lãnh đạo tỉnh Hà Giang những nội dung công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm, thực hiện hiệu quả như: Công tác tạo nguồn, đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; lựa chọn, bình xét, phát huy vai trò của người có uy tín trong các dòng họ, thầy cúng ở cơ sở; bài trừ hủ tục, nhất là trong việc hiếu, việc hỷ gắn với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân; sử dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông mạng xã hội trong tuyên truyền vận động…

Trong thời gian tới, đồng chí Triệu Tài Vinh mong muốn Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục quan tâm, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương để lãnh đạo hệ thống chính trị tỉnh làm tốt công tác dân vận; quán triệt, triển khai, đưa các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước.

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất