Thứ Năm, 5/12/2024
Mùa Xuân - học phong cách đi chúc Tết của Bác, chăm lo hơn cho người yếu thế trong bối cảnh đại dịch COVID-19

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc,
Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/1/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu)  Ảnh: TL

Nhớ về kỷ niệm về Bác Hồ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ

Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết nhân dân đã thành  nếp bởi Người cho rằng, đây là cơ hội tốt để hiểu được đầy đủ đời sống của người lao động, là niềm vui, hạnh phúc lớn của người “đầy tớ của nhân dân” khi được tiếp xúc và nghe họ nói về mơ ước, khát vọng và niềm tin của mình về một năm mới đang gõ cửa từng nhà.

Kể từ ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (trừ những năm ở chiến khu Việt Bắc) đến khi qua đời, hầu như năm nào, Người cũng đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sỹ. Chương trình này được Bác chỉ thị cho Văn phòng chuẩn bị ngay từ khi kết thúc năm Dương lịch và được Người đôn đốc, kiểm tra rất kỹ trong những ngày giáp Tết. Bác đến với các gia đình công nhân, viên chức: Nguyễn Đình Kỳ, Mai Đình Cường, Nguyễn Phú Lộc, Giáo sư Tôn Thất Tùng, cụ Phạm Văn Hoan (92 tuổi)... ngay trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới; đến với công nhân các nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, nông dân các hợp tác xã nông nghiệp Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội), Văn Phú (nay thuộc Hà Nội), cán bộ và chiến sỹ bộ đội Phòng không - Không quân ở sân bay Bạch Mai... ngay trong buổi sáng ngày mồng một Tết. Bác mang theo mùa Xuân của đất trời đến với mọi người, truyền thêm sức mạnh và lòng tin cho từng tập thể, người lao động vững bước vào năm mới với năng suất và hiệu quả mới.

Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với những người lao động, nhất là lao động nghèo, đã diễn ra đầy xúc động trong giờ phút đáng nhớ của năm mới. Đó là vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày Độc lập, Bác và đồng chí Thư ký cùng dò dẫm trong một ngõ tối của phố Sinh Từ đến thăm một người từ tỉnh khác về Hà Nội kéo xe không đủ tiền về quê ăn Tết. Bác đứng nhìn người kéo xe đang lên cơn sốt với tất cả sự thương cảm. Bác lặng lẽ đi ra và dặn Thư ký hôm sau mang thuốc, quà của Người đến thăm hỏi. Xe đi được một đoạn, Bác nói: “30 Tết mà không có Tết” như để nhắc nhở mình về trách nhiệm chăm lo Tết cho những người nghèo. Ngay sáng mồng một, Bác đã mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên phê bình không thực hiện Thư của Người về tổ chức Tết, làm cho nhiều gia đình không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch phải sửa chữa ngay khuyết điểm này. Và Tết năm sau, hầu hết các gia đình nghèo đều được hưởng Tết do các đội tuyên truyền phối hợp với nhân dân đường phố vận động tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Đêm giao thừa Tết Đinh Dậu (năm 1957), Bác cùng đón Tết với gia đình anh Nguyễn Văn Tảo và 5 gia đình công nhân khác của nhà máy điện Yên Phụ tại khu lao động vừa được xây dựng trên bãi rác Nghĩa Dũng cũ. Đêm giao thừa, cả khu lao động như trong ngày hội với hai niềm vui lớn: được đón Tết trong các căn hộ mới ở khu lao động do nhà máy xây, có đủ điện, nước sinh hoạt và được vinh dự đón Bác đến thăm. Bác chỉ vào nồi bánh chưng đang sôi của gia đình anh Tảo và hỏi cụ thể số lượng bánh, thịt mà từng hộ đã lo được trong Tết này và cả những khó khăn về đời sống, việc làm hiện nay. Bác rất vui trước những tiến bộ về đời sống, nhất là nhà ở của công nhân nhà máy và thân mật nhắc nhở mọi người: “Thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Cố gắng thi đua làm việc và thực hành tiết kiệm”. Những điều Người căn dặn đã trở thành những câu chuyện có ý nghĩa cả trong các bữa ăn của từng gia đình.

Cảm động nhất là cuộc gặp giữa Bác với chị Nguyễn Thị Tín, một người gánh nước thuê ở ngõ 16 Lý Thái Tổ trong đêm 30 giá rét và mưa phùn của Tết Nhâm Dần năm 1962, cách đây đúng 60 năm. Chồng mất sớm, một mình chị Tín gánh nước thuê lấy tiền nuôi 4 con còn nhỏ (đứa lớn nhất mới trên 10 tuổi) và đêm 30 này chị vẫn chưa được nghỉ. Với đôi thùng trên vai, chị vừa ra đến ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ trước sự xuất hiện của Bác, đôi thùng trên vai chị rơi xuống đất. Tay chị run run nắm lấy bàn tay Bác và nói trong sự xúc động chen lẫn tiếng nấc nghẹn ngào: Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm. Bác vỗ vai an ủi chị: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...”.

Bước vào nhà, Bác nhìn căn phòng trống tuềnh toàng và trên bàn thờ tổ tiên chỉ có nải chuối xanh, trong khi 4 đứa con của chị đang chia nhau một gói kẹo, một nét buồn hiện lên trên khuôn mặt hiền từ của Người. Bác lấy kẹo chia cho các cháu và lấy chiếc bánh chưng được chuẩn bị sẵn đặt lên bàn thờ. Chị Tín đứng nhìn Bác trong khi hai hàng nước mắt vẫn lăn trên hai gò má xanh xao. Đối với chị, đây thật sự là hạnh phúc lớn và không gì có thể so sánh được mà Bác đã dành cho gia đình mình.

Hình ảnh gia đình chị Tín giữa Thủ đô Hà Nội sau những năm kháng chiến thắng lợi nay vẫn nghèo khổ gợi cho Bác nhớ lại người phu kéo xe đã gặp trong đêm giao thừa của Tết độc lập đầu tiên, làm cho nỗi buồn không vơi và theo Người suốt cả đêm giao thừa ấy. Về nơi Bác ở, Bộ Chính trị đã tập họp để chúcTết Bác và cùng đón giao thừa. Bác ngồi vào ghế, mọi người ngồi xung quanh. Bác im lặng rồi nói từ từ: “Bữa nay tôi có một chuyến thăm một nhà nghèo nhất Thủ đô Hà Nội. Cô Tín, chủ nhà, giờ này còn phải đi gánh nước thuê để có tiền mai mua gạo cho con. Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại Thủ Đô đất nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như chị Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình, nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân...”.

Tết Kỷ Dậu 1969, mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng Bác vẫn có chương trình đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sỹ ở nhiều nơi. Sáng mồng một Tết, Bác đến sân bay Bạch Mai thăm chiến sỹ Quân chủng Phòng không - Không quân, rồi thăm hỏi, nói chuyện với bà con nhân dân và trồng cây đa tại thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm đó, Bác có bài thơ chúc Tết, bài thơ Di chúc có ý nghĩa hiệu triệu, thôi thúc chiến sỹ, đồng bào về một thắng lợi chung, một tương lai tươi sáng của đất nước, sự đoàn tụ của dân tộc, gia đình: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to… Tiến lên! Chiến sỹ, đồng bào/Bắc, Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.

Thiết thực chăm lo Tết cho người nghèo, người yếu thế trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Năm 2021, đất nước ta phải chống đỡ với khó khăn, thách thức rất lớn do đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hạn chế tối đa thiệt hại và kiềm chế được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; hoàn thành ở mức cao nhất có thể các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân trong bối cảnh đại dịch. Năm 2021, có thể là năm đặc biệt khó khăn với nhiều người; với những người nghèo, người yếu thế lại càng vất vả, khó khăn hơn.

Thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam đã phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 khiến hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm số lượng nhân công, dẫn đến người lao động buộc phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương, thậm chí mất việc làm. Tính đến cuối tháng 8/2021, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có trên 28 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long là 2 vùng có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất và cao hơn nhiều so mức chung của cả nước.

Trẻ em cũng là một trong các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch COVID-19. Tính đến nay, cả nước có trên 2.200 trẻ mồ côi do COVID-19, trong đó có hàng trăm trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ; cùng với đó là nhiều người già phải sống trong cảnh neo đơn khi người thân mất vì COVID-19.

Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai kịp thời các gói an sinh xã hội của Nhà nước và huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia chống dịch COVID-19. Các Nghị quyết 68, 126 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, có thời gian chi trả nhanh hơn, thủ tục đơn giản hơn, đã góp phần hỗ trợ, động viên người lao động, các nhóm đối tượng ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch và gia đình vượt qua khó khăn ban đầu, được đánh giá là những quyết sách kịp thời, nhân văn, hợp lòng dân. Bên cạnh những chính sách của Nhà nước là sự chung tay, góp sức của hệ thống Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh..., của cả hệ thống chính trị và cộng đồng với các chương trình khác như: bảo trợ, tặng túi an sinh, hỗ trợ lương thực, thực phẩm…

Tết cổ truyền của dân tộc là ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt, thiêng liêng nhất trong năm với mỗi người dân, mỗi gia đình Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo để nhân dân có Tết no ấm, an vui. Ngày 08/12/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 11 về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2022 và vui Xuân, đón Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Đặc biệt, chăm lo, thăm hỏi các gia đình có người thân, trẻ em có cha mẹ mất do dịch COVID-19..., bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết. Cùng với đó, tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc tết các đối tượng, gia đình chính sách, ở khu cách ly, điều trị tập trung, lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch.

Với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và chủ trương “không để ai thiếu ăn trong dịp Tết”, thời điểm này, cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cũng tập trung xây dựng phương án, huy động các nguồn lực chăm lo Tết, thăm hỏi, chúc Tết người nghèo, những đối tượng yếu thế trong xã hội, gia đình chính sách…, nhất là những người bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại nhất do dịch COVID-19.

Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, thăm hỏi, chúc Tết người nghèo, người yếu thế… trong dịp Tết cổ truyền là một truyền thống tốt đẹp của hệ thống chính trị của chúng ta; nhất là Tết Nhâm Dần 2022, sau một năm đầy khó khăn chống đỡ với dịch COVID-19, hoạt động này càng cần được triển khai rộng khắp, thiết thực hơn và mang ý nghĩa đặc biệt hơn, thể hiện trách nhiệm, đạo lý nhân văn “tương thân tương ái” của dân tộc, cùng hướng tới mục tiêu để “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, chung hưởng ấm no, hạnh phúc. Đây là trách nhiệm chăm lo cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự ưu việt của chế độ, là những việc làm thiết thực chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, phong cách của Bác kính yêu./.

Phạm Tất Thắng, 

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác