Thứ Sáu, 10/1/2025
Hệ thống Dân vận Thủ đô gắn bó với Tạp chí Dân vận

 Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội
và đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ
ở bộ phận một cửa phường Phúc Đồng, quận Long Biên
   

Tạp chí Dân vận là cơ quan ngôn luận, nghiên cứu lý luận và hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Dân vận Trung ương - đã trải qua 35 năm từ ngày ra đời với hình thức là một bản tin đến nay Tạp chí Dân vận đã làm tốt nhiệm vụ chính trị phục vụ công tác dân vận của Đảng; bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình, kế hoạch, chủ đề công tác từng năm của Ban Dân vận Trung ương để tuyên truyền, hướng dẫn hệ thống Dân vận các cấp, cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với công tác dân vận.

Tạp chí chú trọng quan tâm tới việc nghiên cứu lý luận - trao đổi phương thức đưa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận nhanh chóng vào cuộc sống, phù hợp với tình hình từng cụ thể từng giai đoạn của đất nước, đồng thời, đã tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, góp ý của dân với Đảng, biểu dương các tổ chức và cá nhân làm tốt công tác dân vận ở cơ sở, gắn với dân sinh như phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, xây dựng các mô hình "Dân vận khéo", xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, công tác dân tộc, công tác tôn giáo…; việc hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận cũng được Tạp chí đầu tư, nghiên cứu, phổ biến theo phương châm “Cầm tay, chỉ việc” bằng những kỹ năng theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.

Để cho cán bộ làm công tác dân vận có hứng khởi vui tươi sau những giờ hăng say làm việc, Tạp chí còn dành một số trang cho chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ với nhiều chủ đề gắn với mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân.

Việc đọc và nghiên cứu các ấn phẩm của Tạp chí Dân vận đã cung cấp cho cán bộ làm công tác dân vận từ Trung ương tới tổ dân vận một hệ thống lý luận khách quan, khoa học về công tác dân vận của Đảng và những kinh nghiệm hay, tấm gương điển hình thực hiện khéo công tác dân vận ở cơ sở; góp phần trau dồi, nâng cao nhận thức và nghiệp vụ thực hiện công tác dân vận. 

35 năm là thời gian đủ độ chín, sung sức của Tạp chí Dân vận. Tạp chí luôn nhận được sự chờ mong, đón đọc của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân từ cơ sở, góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận, củng cố xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền của Tạp chí Dân vận,  trong giai đoạn tới, chúng tôi mong muốn Tạp chí Dân vận tập trung nhiều hơn vào một số nội dung:

Tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các phóng viên thâm nhập vào các vấn đề nổi cộm, các điểm nóng liên quan đến công tác dân vận; phản ảnh kịp thời, chính xác hơn nữa những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân với Đảng và Nhà nước để có thêm những tác phẩm báo chí chất lượng, gắn với dân sinh; tăng cường việc phổ biến, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, các tấm gương, mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Quan tâm xây dựng lực lượng cộng tác viên về lĩnh vực nghiên cứu lý luận và thực tiễn hoạt động dân vận để có nhiều ấn phẩm ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Tăng cường các bài viết từ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận tại cơ sở về cách làm dân vận hay, cách làm dân vận khéo. Đăng kèm các hình ảnh hoạt động của công tác dân vận, làm sinh động các tin, bài.

Tiếp tục đa dạng hóa các thể loại văn học trong mục văn hóa - văn nghệ để không ngừng làm phong phú đời sống tinh thần cho bạn đọc.

Hệ thống dân vận ở Thủ đô trong những năm qua đã thường xuyên gắn bó với Tạp chí Dân vận, qua đó, đã góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng góp phần đưa Hà Nội thành một trong những điểm sáng của cả nước đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân vận chính quyền; trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn, QCDC trong 05 loại hình mới (QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng, QCDC trong công tác thuế, QCDC trong trường ngoài công lập, QCDC trong quản lý trật tự xây dựng và QCDC trong khối chợ); trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tôn giáo theo quy định của pháp luật và công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay không còn xã đặc biệt khó khăn. Làm tốt, có hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã góp phần phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến - anh hùng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

Nguyễn Doãn Toản, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất