Thứ Năm, 19/12/2024
Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Tham gia chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực và các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Đỗ Văn Phới, Nguyễn Lam, Triệu Tài Vinh.

 

Quang cảnh Hội nghị


Dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo, cán bộ và chuyên viên các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương. Tại 63 điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, UBND, HĐND, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh, thành phố; lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy.

Tăng cường đổi mới, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận

Báo cáo Sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 do đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trình bày tại Hội nghị cho thấy: Công tác dân vận của hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên, đã ban hành 440 nghị quyết, 485 chỉ thị, 2.508 chương trình hành động, 3.065 kế hoạch và 14.162 công văn để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận tăng cường đổi mới, triển khai thực hiện có hiệu quả đối với công tác dân vận; chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, dân chủ cơ sở.

 

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng
báo cáo sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2022


Công tác dân vận chính quyền, công tác dân tộc, tôn giáo, dân chủ cơ sở đạt được những kết quả quan trọng theo hướng thực chất, hiệu quả, gần với dân. Công tác phối hợp triển khai thực hiện công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều khởi sắc; chất lượng, hiệu quả đã dần được nâng lên, nhất là trong phát động và vận động thực hiện các phong trào, hoạt động hướng mạnh về cơ sở.

Ban Dân vận Trung ương đã tích cực triển khai đồng bộ, thực hiện các đề án, tăng cường cán bộ đi cơ sở, nắm tình hình nhân dân, tôn giáo, dân tộc kịp thời báo cáo, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy đã có nhiều đổi mới, năng động, linh hoạt trong tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào thi đua Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa phù hợp với địa phương, đơn vị của mình. Nhiều mô hình, điển hình Dân vận khéo” đã được nhân rộng, lan tỏa tích cực trong xã hội.

 Ngành Dân vận đã tham mưu cho cấp ủy tổ chức 489 hội nghị sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và cấp ủy cùng cấp; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy các cấp thực hiện 1.857 đề án, đề tài khoa học về công tác dân vận, trong đó có một số đề án, đề tài khoa học cấp tỉnh có giá trị thực tiễn cao.

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác dân vận đã tích cực tham gia, đóng vai trò quan trọng trong khống chế, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch COVID-19, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước.

Bên cạnh việc đánh giá các kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa kịp thời triển khai văn bản về công tác dân vận hoặc việc triển khai chưa sát với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong tôn giáo ở một số địa phương còn hạn chế. Kết quả xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Công tác nắm tình hình nhân dân, tình hình tôn giáo, dân tộc còn bị động, lúng túng, khả năng dự báo tình hình, kỹ năng tham mưu giải quyết những tình huống cụ thể ở cấp cơ sở một số nơi còn hạn chế…

Chú trọng nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh ở cơ sở

Hội nghị được nghe tham luận và ý kiến của các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết. Các ý kiến phát biểu đều cơ bản nhất trí với Báo cáo đánh giá kết quả công tác dân vận và bổ sung, nhấn mạnh kết quả công tác dân vận đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó, các ý kiến thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm; đồng thời, trao đổi kinh nghiệm công tác và đề xuất một số kiến nghị sát hợp, khả thi để triển khai tốt nhiệm vụ công tác dân vận 6 tháng cuối năm và thực hiện có hiệu quả hơn công tác dân vận trong thời gian tới.


Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
phát biểu tham luận tại Hội nghị


 

Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
phát biểu tham luận tại Hội nghị



Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
phát biểu ý kiến tại Hội nghị


 
Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội nghị 


Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. 6 tháng đầu năm, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, sự quản lý, điều hành năng động, sáng tạo, quyết liệt của Nhà nước, các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước phục hồi nhanh. Trong kết quả chung của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận của cả hệ thống chính trị. Công tác dân vận trong 6 tháng đầu năm tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động và có chuyển biến tích cực.

 

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài
phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị


Theo số liệu tổng hợp thống kê, cả nước đang có 89.109 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Các tỉnh có nhiều mô hình là: Thanh Hóa 8.419 mô hình; Tuyên Quang 12.000 mô hình; Bắc Giang 2.666 mô hình; Huế 1.592 mô hình.


“Trung ương Đảng và các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của hệ thống chính trị. Cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp tập trung thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong việc tiếp tục thể chế, triển khai các giải pháp để khẩn trương phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chuyển trọng tâm về cơ sở, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Ban Dân vận các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy sơ kết, tổng kết một số văn bản của Đảng về công tác dân vận; thực hiện nghiên cứu một số đề án sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong 6 tháng cuối năm 2022; thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực một số Ban chỉ đạo về công tác dân vận, tôn giáo, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các chương trình phối hợp công tác” - đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

Thống nhất với các hạn chế, tồn tại như Báo cáo đã chỉ ra, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp ủy đảng tích cực, chủ động triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy về công tác dân vận. Trong đó, Ban Dân vận Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư các đề án; tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; triển khai tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW.

 
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài
và các đại biểu dự Hội nghị


Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực các Ban Chỉ đạo về công tác dân vận, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác theo đúng quy chế, kế hoạch công tác đã đề ra, tập trung kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương với các bộ, ban, ngành Trung ương và sở, ngành địa phương. Tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện. Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đoàn các cấp và Đại hội đại biểu quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027; đại hội Hội Cựu chiến binh các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VII; đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 theo đúng các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư.

Chủ động nắm tình hình dân tộc, công tác dân vận ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo; nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình các tầng lớp nhân dân để tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời. Tiếp tục cách làm hay thực hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo”… góp phần tạo sự đồng thuận, động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Tin: Hà Thanh, ảnh Hoàng Phong.

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất