Thứ Sáu, 15/11/2024
Đoàn khảo sát Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh


Cùng dự buổi làm việc, về phía Trung ương có các đồng chí: Phạm Tất Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam và lãnh đạo các ban, ngành; về phía tỉnh Hà Tĩnh, có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, nhất là từ năm 2015 đến nay, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách do sự cố môi trường biển, đại dịch COVID-19, thiên tai, lũ lụt… nhưng nhờ phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nên Hà Tĩnh đã từng bước vượt lên và đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, trách nhiệm hơn về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kinh tế - xã hội phát triển khá cao; diện mạo đô thị, nông thôn mới khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt.

Công tác xây dựng Đảng được tập trung; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Dân chủ và thực hành dân chủ được phát huy mở rộng; lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố.

Cụ thể, quy mô nền kinh tế (GRDP) Hà Tĩnh năm 2004 chỉ đạt 5.836 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt hơn 88.000 tỷ đồng (xếp thứ 28 cả nước, thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ). GRDP bình quân đầu người năm 2000 đạt 2,87 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 đạt 64,25 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 của tỉnh là 38,89%, đến năm 2021 còn 4,68% (theo chuẩn nghèo đa chiều mới).

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) vượt chỉ tiêu, hiện có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 98%, xã đạt chuẩn nâng cao đạt 27%.

Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã huy động các nguồn xã hội hóa, đóng góp được hơn 20.130 tỷ đồng tiền mặt, ngày công xây dựng NTM; ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trên 408,392 tỷ đồng, Quỹ cứu trợ gần 491 tỷ đồng… Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xây dựng 52 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và gần 3.600 nhà ở kiên cố cho người dân vùng bị ảnh hưởng…

Tại buổi làm việc, Hà Tĩnh đề nghị Trung ương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở; sớm bổ sung, sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn.

Kịp thời hỗ trợ tỉnh xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão, lũ; quan tâm bổ sung nguồn vốn hỗ trợ tỉnh xây dựng NTM; quan tâm xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng; quan tâm đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối đồng bào dân tộc Chứt ở Hương Khê (Hà Tĩnh) với đồng bào dân tộc Rục (Quảng Bình)…

Đề nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản dưới luật đảm bảo đồng bộ, phù hợp; đề nghị Trung ương xem xét tính hiệu quả của mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ cấp huyện…

Tại buổi làm việc, đại biểu đoàn công tác Trung ương đánh giá cao quá trình quán triệt, triển khai, cũng như những cách làm sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Hà Tĩnh.

Đại biểu cũng góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá 20 năm triển khai nghị quyết; đồng thời cho rằng, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh cần tiếp tục xác định rõ các mục tiêu, phương hướng và cách làm để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, những cách làm nổi bật, linh hoạt của tỉnh nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống văn hóa, nguồn lực con người Hà Tĩnh, góp phần đưa tỉnh nhà đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong đó, tỉnh đã linh hoạt, chủ động xã hội hóa nguồn lực xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai; huy động nguồn quỹ hỗ trợ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao vào đại học; tinh thần đoàn kết, sẻ chia và những chủ trương nhân văn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; thống nhất, quyết tâm cao trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; phân công đoàn công tác BTV Tỉnh ủy chỉ đạo trực tiếp từng địa phương, đơn vị...

Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các ngành chức năng quan tâm khảo sát, đánh giá để tiếp tục nhân rộng mô hình nhà văn hóa tránh lũ trên địa bàn; đề nghị Trung ương cho chủ trương chấm dứt dự án mỏ sắt Thạch Khê; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh các chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi, nhất là việc học tập của con em; xây dựng đường giao thông; quan tâm thực hiện các chủ trương, đường lối đối ngoại, thắt chặt mối quan hệ Việt Nam - Lào...

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tại Hà Tĩnh; đồng thời nhấn mạnh, Đảng bộ tỉnh đã quán triệt triển khai bài bản, đồng bộ, bám sát thực tiễn đời sống người dân và các quan điểm, nhóm giải pháp Nghị quyết 23-NQ/TW đã đề ra.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến ghi nhận cách làm sáng tạo của tỉnh trong quan tâm đối tượng yếu thế, an sinh xã hội; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão, lũ; thực hiện quy chế đối thoại, phát huy dân chủ trong nhân dân. Những cách làm đó sẽ được ban soạn thảo, tổ biên tập tiếp thu, nghiên cứu đưa vào báo cáo đánh giá 20 năm thực hiện nghị quyết 23-NQ/TW.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, báo cáo của địa phương, đoàn công tác sẽ tổng hợp và có báo cáo cụ thể với Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm rút ra kinh nghiệm, bài học trong quá trình thực hiện. Từ đó, ban hành nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp trong bối cảnh mới.

(baohatinh.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất