Thứ Bảy, 23/11/2024
Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Quang cảnh Hội nghị

Tham gia chủ trì có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Đỗ Văn Phới, Bùi Tuấn Quang.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy; các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương.

Tiếp tục đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân

Báo cáo tại Hội nghị do đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trình bày cho biết, công tác dân vận của hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm tiếp tục có đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản của trung ương và cấp ủy cấp trên phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Hệ thống dân vận các cấp đã chủ động, phối hợp tốt với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, tham gia tích cực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 


 Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trình bày báo cáo tại Hội nghị 

Cụ thể là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác dân vận, nhất là, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện đề án Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Ban hành 04 kết luận về công tác dân vận… Các tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng, phù hợp với thực tiễn địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tăng cường đổi mới, triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác dân vận nhằm khơi dậy sức sáng tạo, tính tự chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Một số tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành được nhiều cơ chế chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Định, Hải Phòng…

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, tập trung cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn, hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nhiều kết quả tích cực; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều chuyển biến. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có sự gắn kết chặt chẽ, tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.

Nhiều Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo tổ chức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới ... để phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, tổ chức biểu dương khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu để lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo như: Sơn La, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hải Dương, Phú Thọ, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương. Theo số liệu tổng hợp thống kê, cả nước có 139.062 mô hình đăng ký; số mô hình được công nhận là 36.181 tập thể, 16.187 cá nhân, trong đó về lĩnh vực kinh tế có 18.741 tập thể, 19.006 cá nhân, về lĩnh vực văn hóa xã hội có 35.679 tập thể, 20.047 cá nhân; về quốc phòng, an ninh có 11.219 tập thể, 6.151 cá nhân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có 9.840 tập thể, 9.184 cá nhân...


 Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
phát biểu chào mừng Hội nghị

Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, công tác dân vận của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của từng cấp ủy, tổ chức đảng, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Đây là điểm mới về công tác dân vận của thành phố. Đề án được xây dựng và ban hành nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của hơn 700 mô hình dân vận khéo đã triển khai trên địa bàn thành phố; đồng thời, tổ chức sàng lọc, đánh giá, lựa chọn 16 mô hình tiêu biểu, điển hình để nhân rộng với nội dung hướng đến hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội; cùng nhau phát triển kinh tế; di dời giải phóng mặt bằng; văn minh đô thị; an ninh trật tự; xây dựng thành phố thông minh, công nghệ số cộng đồng...

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng cho biết: “Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đối với công tác dân vận, công tác tôn giáo, dân tộc và phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực để phát triển thành phố; đặt mục tiêu “an dân” và “dựa vào dân” để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị gắn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận tập trung vào thực tiễn công tác của địa phương, đơn vị, bổ sung, chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện, làm sâu sắc thêm kết quả, đóng góp những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện công tác dân vận trong thời gian tới. Ban Dân vận Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế đó là việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, Nghị quyết của Đảng liên quan công tác dân vận của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa kịp thời. Công tác xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng cốt cán trong tôn giáo ở một số địa phương còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức viên chức còn có biểu hiện quan liêu, sách nhiễu, chưa làm tròn trách nhiệm phục vụ nhân dân. Việc xử lý những vấn đề nhân dân bức xúc ở một số nơi chưa kịp thời, hiệu quả…

Kết quả công tác dân vận chính là thước đo sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ để thực hiện mục tiêu phát triển, đất nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước… Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quản lý, điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; an sinh xã hội được quan tâm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững.


 Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
phát biểu kết luận Hội nghị

Trong kết quả phát triển chung của đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận của cả hệ thống chính trị. Đó là: Ban Dân vận các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy sơ kết, tổng kết, xây dựng các đề án mới về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Trong đó, Ban Dân vận Trung ương đã tham mưu một số chủ trương của Đảng về công tác dân vận thông qua việc hoàn thành, đảm bảo chất lượng, tiến độ các đề án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, trên cơ sở đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét ban hành các văn bản chỉ đạo mới. 6 tháng đầu năm, Ban Bí thư đã ban hành 04 kết luận về công tác dân vận, trong đó có một số vấn đề mới như: về tổ chức và hoạt động của Hội Người Cao tuổi Việt Nam, về quy chế hoạt động của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Đặc biệt là việc tham mưu tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”…

Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã khẩn trương xây dựng, tích cực, chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy ban hành, tổ chức quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa triển khai các văn bản mới về công tác dân vận, nhất là trong thời gian qua đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các Ban Chỉ đạo tổng kết của Trung ương triển khai tổng kết và tổ chức khảo sát, hội nghị, hội thảo phục vụ tổng kết; tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 03/7/2021 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Ban Dân vận các địa phương đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và xây dựng các đề án mới về công tác dân vận, công tác tôn giáo theo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương và theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, 6 tháng qua, hệ thống dân vận đã đồng hành với chính quyền thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, làm đường cao tốc, đường vành đai, sân bay, bến cảng rất tích cực.


 Các đại biểu dự Hội nghị

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng tiếp tục đổi mới trong công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tập trung vào việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, phối hợp hỗ trợ người lao động bị mất việc làm.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Nhiều địa phương, đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã trực tiếp đối thoại với nhân dân để lắng nghe, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm, nhất là những bức xúc, phức tạp nảy sinh từ cơ sở; tập trung triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Quyết định số 346/QĐ-TTg, ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được cấp ủy các địa phương quan tâm chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp phát động và thực hiện có hiệu quả; nhiều mô hình hay đã được nhân rộng, lan tỏa tốt trong xã hội. Đến nay, cả nước có 139.062 mô hình “Dân vận khéo” đăng ký, trong đó số mô hình được công nhận là 36.181 tập thể, 16.187 cá nhân.

“Với các kết quả đã đạt được, có thể khẳng định công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân”. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài khẳng định.

Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương lưu ý, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác dân vận của hệ thống chính trị còn một số hạn chế trong việc nắm tình hình ở cơ sở, trong công tác xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong xây dựng, phát huy vai trò lực lượng cốt cán trong tôn giáo ở một số địa phương, thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn nữa để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.


 Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài và các đại biểu dự Hội nghị

Trong 6 tháng cuối năm, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị hệ thống dân vận tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Thứ nhất, Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy kịp thời tham mưu cho cấp ủy sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương.

Trong quá trình tổng kết, cần quan tâm đánh giá thực chất những kết quả đạt được, nhất là những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập để kiến nghị giải pháp khả thi, phù hợp.

Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các Ban chỉ đạo về công tác dân vận, công tác tôn giáo; trong phối hợp thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị, đề nghị tập trung tiếp tục làm tốt các chương trình phối hợp công tác, phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp, nắm thông tin và xử lý tình hình phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở; đảm bảo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ba là, trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo, ngoài việc tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc, cần đặc biệt chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo.

Bốn là, tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt là quan tâm ở những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn….

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân vận cho cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận các cấp, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý tình huống công tác dân tộc, tôn giáo ở cơ sở.

Sáu là, làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình và đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng thiết thực hơn nữa gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; quan tâm vận động nhân dân thực hiện việc nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng. 

Theo đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương, năm 2023 là năm đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện và đề ra những giải pháp quan trọng cho những năm tiếp theo để đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội đảng các cấp.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành Dân vận vẫn phải khắc phục không ít khó khăn, đồng thời phải tiếp tục nỗ lực với quyết tâm chính trị cao để hoàn thành và hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ được giao, trong đó kết quả công tác dân vận chính là thước đo sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, sức mạnh của nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp đã đề ra./.

Hoàng Phong

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất