Thứ Bảy, 23/11/2024
Phát huy vai trò cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bùi Tuấn Quang - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; Võ Chí Công - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng và các đồng chí lãnh đạo cấp vụ của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực phía Nam.

 

Quang cảnh hội thảo


Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, được sự đồng ý của Ban Bí thư, sau hội thảo khu vực các tỉnh miền Bắc tổ chức tại Yên Bái, hôm nay hội thảo khu vực phía Nam được tổ chức tại Sóc Trăng và tới đây sẽ tiếp tục tổ chức tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên (tại tỉnh Gia Lai). Các hội thảo này là cơ sở để tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” (viết tắt Chỉ thị số 21-CT/TW) gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Nhìn chung, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn; đời sống mọi mặt của phụ nữ khu vực phía Nam được cải thiện rõ rệt. Đội ngũ cán bộ nữ tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu, trong đó, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp cơ sở cao nhất trong 3 khu vực (28,6%). Tỷ lệ nữ phó bí thư tỉnh ủy cao nhất so với 2 khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên.

Nhiều tỉnh, thành phố được nhắc đến với con số “nhất, nhì” của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất cả nước về tỷ lệ nữ cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở và tiếp tục dẫn đầu khu vực về tỷ lệ nữ đại biểu HĐND ở cả 3 cấp. Bình Phước cao thứ 2 cả nước về tỷ lệ nữ cấp ủy tỉnh.

Trong khu vực, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cao nhất so với nhiệm kỳ trước về nữ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Hậu Giang tăng cao nhất về tỷ lệ cấp ủy cấp cơ sở. Trà Vinh có 100% cấp ủy viên cấp tỉnh dưới 40 tuổi đều là nữ. Bạc Liêu cao nhất khu vực khi có tới một nửa số đại biểu Quốc hội là nữ. Sóc Trăng cũng là địa phương có nhiều điểm sáng, với tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số cao nhất, đạt 33,3%; xếp hạng 2 trong khu vực và hạng 5 trong toàn quốc về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội...

Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, vẫn còn những gam màu kém sắc hơn và những vấn đề thực tiễn rất đáng quan tâm. Hiện tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn so với nam giới, ít được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, tỷ lệ nghèo cao, thu nhập không ổn định, tỷ lệ trẻ em bỏ học sớm cao, tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài cao (chủ yếu vì mục đích kinh tế) tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Về công tác cán bộ nữ, 9/19 tỉnh, thành chưa đạt chỉ tiêu 15% nữ cấp ủy viên cấp tỉnh; một số tỉnh, thành phố có phần lớn số xã không có nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của khu vực mới đạt 28,22%, thấp hơn so với toàn quốc và 2 khu vực còn lại và chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 30%, vẫn còn có tỉnh chưa có nữ đại biểu Quốc hội (Cà Mau); nhiều tỉnh, thành chưa đạt chỉ tiêu về nữ đại biểu HĐND các cấp (cấp tỉnh có 11 tỉnh, thành, cấp huyện 10 tỉnh, thành, cấp xã 14 tỉnh, thành). Vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu.

Hội thảo diễn ra 2 phiên, phiên 1, các phát biểu tập trung tham luận về tình hình thực hiện công tác phụ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù. Trong đó, đại diện tỉnh Sóc Trăng có phát biểu về bối cảnh và thực tiễn một số vấn đề xã hội đặt ra tác động ảnh hưởng đến đời sống của phụ nữ, rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số. Đơn vị tỉnh Cà Mau phát biểu về công tác chỉ đạo của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ địa phương và việc tổ chức đối thoại trực tiếp với phụ nữ để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, những vấn đề đặt ra trong công tác phụ nữ và tổ chức hội. Đơn vị tỉnh Bình Dương nêu về công tác chỉ đạo, ban hành chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù tại địa phương.

Tại phiên 2, nhiều tham luận làm rõ về công tác cán bộ nữ và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ. Đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm chính sách đặc thù về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với công tác quy hoạch và bố trí sử dụng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển đô thị. Đơn vị tỉnh An Giang có ý kiến xoay quanh thực trạng công tác cán bộ nữ. Đơn vị Bình Phước nêu 3 vấn đề chính, đó là xác định trách nhiệm cấp ủy đảng thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư; nhất quán, không có tư duy nhiệm kỳ, mà là sự tiếp nối của các nhiệm kỳ và làm như thế nào đảm bảo bản lĩnh, năng lực của cán bộ nữ. Đơn vị tỉnh Hậu Giang nêu những khó khăn, thách thức của địa phương trong việc thực hiện các chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ.

 

Đại biểu dự hội thảo.


Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Bùi Tuấn Quang - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương thông tin, tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố đã nêu ra nhiều ý kiến, nhiều kiến nghị, đề xuất, Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu đầy đủ và sẽ có văn bản gửi cho các cơ quan chức năng những vấn đề có liên quan đến cơ chế chính sách để các cơ quan chức năng nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương của Đảng. Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị, với hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành, cần nắm chắc tình hình phụ nữ và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới trên địa bàn để từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với yêu cầu thực tiễn; tham mưu giải quyết đúng, trúng những vấn đề liên quan. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức hội nhằm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ. Với ban dân vận các tỉnh, thành ủy, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và theo sát, đánh giá đúng tình hình nhân dân, tình hình phụ nữ ở địa phương, xác định cụ thể các vấn đề liên quan đến phụ nữ, đến công tác phụ nữ tại địa bàn, trên cơ sở đó có những tham mưu cụ thể cho cấp ủy trong việc xác định các cơ chế ưu tiên của địa phương để tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách hiện có nhằm từng bước giải quyết các vấn đề đã nêu ở trên.

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đề nghị các đồng chí lãnh đạo cấp ủy các tỉnh, thành quan tâm tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư; nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Thường trực tỉnh, thành ủy phải thực sự quyết tâm chính trị cao, có cam kết mạnh mẽ, có các giải pháp khả thi đảm bảo đạt được chỉ tiêu về cán bộ nữ theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

“Với những kết quả hết sức ý nghĩa tại hội thảo hôm nay, tôi tin tưởng rằng công tác phụ nữ nói chung, việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ nói riêng trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước” - đồng chí Bùi Tuấn Quang nhấn mạnh.

PV và CTV

Gửi cho bạn bè

Các tin khác