Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Y Vinh Tor, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Hội nghị có sự tham dự của hơn 120 đại biểu bao gồm đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Dân tộc và cán bộ phụ trách công tác dân tộc tại Ban Dân vận tỉnh, thành ủy của 23 tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS khu vực phía bắc; đại diện cán bộ, chuyên viên Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo, cán bộ của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai; đại diện lãnh đạo thị ủy, các ban ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang thị xã Sapa.
Công tác dân tộc, công tác dân vận - nhiệm vụ chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng
Tại Hội nghị, thay mặt Tỉnh ủy Lào Cai, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai phát biểu chào mừng, trong đó khẳng định: Sau hơn 30 năm tái lập, Lào Cai đã "vươn mình" trở thành một trong các tỉnh phát triển khá tại khu vực trung du và miền núi phía bắc. Trong đó, công tác dân vận, công tác dân tộc trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy Lào Cai. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận, công tác dân tộc như: Đề án nâng cao năng lực, đổi mới nội dung phương thức hoạt động của công tác vận động quần chúng, Chỉ thị về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ là người DTTS, Chỉ thị về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; Nghị quyết về đẩy mạnh phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
|
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị |
"Công tác dân vận, công tác dân tộc ở vùng đồng bào DTTS có vị trí ý nghĩa và vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và đối ngoại. Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai mong muốn tại Hội nghị này, các đại biểu chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm thiết thực, quý báu về công tác dân vận, công tác dân tộc ở vùng đồng bào DTTS để cùng học hỏi, rút kinh nghiệm, nhất là chia sẻ cách làm hay, sáng tạo và các mô hình, điển hình thành công trong công tác dân tộc, công tác dân vận của Đảng - một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, động viên nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Hoàng Giang chia sẻ.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng đã chỉ rõ: "Công tác dân vận có nơi, có lúc còn hạn chế; một số cấp ủy, tổ chức đảng còn xem nhẹ công tác dân vận; việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát… Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình…".
|
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh phát biểu đề dẫn Hội nghị |
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh cho rằng, việc vi phạm Quy chế dân chủ dẫn đến nhiều địa phương tổ chức đại hội không đạt như mong muốn về công tác cán bộ chính là do không làm tốt công tác dân vận ở cơ sở. Các địa phương ở cấp huyện, xã mặc dù không được ban hành cơ chế chính sách, không có nguồn lực nhưng sự phát triển toàn diện cho thấy đây là hiệu quả của công tác dân vận. Bên cạnh đó, việc người DTTS vẫn còn những hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu; việc không nắm sát được dân; chưa có cách nào bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng (truyền thống), việc bản sắc văn hóa bị mai một nhanh cũng có phần là trách nhiệm của công tác dân vận, công tác dân tộc. Công tác dân vận cần phải quan tâm đến công tác cán bộ là người DTTS, quá trình vốn hóa tri thức…
Nhắc lại các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh đề nghị các đại biểu cần quan tâm đến những vấn đề như: bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, bảo vệ phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; chênh lệch giàu nghèo và khoảng cách phát triển; phát triển nguồn nhân lực và công tác cán bộ; đảm bảo quyền lợi và sự tiến bộ, khắc phục các bất bình đẳng; an ninh trật tự, an ninh quốc phòng vùng DTTS, người DTTS…
Nhiều kinh nghiệm quý, giải pháp hay
Hội nghị đã trao đổi và học tập kinh nghiệm giữa các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về "Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số", Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới"; nhất là công tác dân vận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Việt Khánh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, trong thời gian qua bên cạnh những giá trị tốt đẹp, trong cộng đồng các DTTS ở Hà Giang, nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Trước thực tiễn đó, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành 01 chỉ thị, 01 nghị quyết chuyên đề về xóa bỏ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang. Thực hiện chủ trương này, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo; chỉ đạo tổ chức các hội thảo, mạn đàm từ thôn, từng dòng họ đến cấp xã, cấp huyện; triển khai xây dựng mô hình điểm rồi nhân ra diện rộng… Qua thời gian triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã vận động hoãn hôn được 420 cặp trong đồng bào DTTS chưa đủ tuổi kết hôn; vận động được hơn 4.510 gia đình người dân tộc Mông thực hiện tang lễ theo nghi lễ nếp sống mới; tuyên truyền, vận động được hơn 9.000 chuồng trại ra xa nhà, làm mới 11.535 nhà vệ sinh…
|
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Việt Khánh tham luận tại Hội nghị |
Với đặc thù là tỉnh có hơn 74% dân số là người DTTS, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 64%, tỉnh Hòa Bình nổi tiếng với nền "văn hóa Hòa Bình" và bốn vùng Mường cổ "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động". Đồng chí Đinh Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình chia sẻ một số kinh nghiệm của tỉnh Hòa Bình trong việc bảo tồn văn hóa địa phương, giúp giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của các DTTS, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng đất nước, đó là: sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hành, phát huy bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm về phát triển, bảo tồn văn hóa; cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, quản lý văn hóa, nghệ thuật cần được xem trọng; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết…
Chia sẻ về những cách làm mới trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Lê Mạnh Cường, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Quảng Ninh luôn vận dụng bài học "Dân là gốc, dân là trung tâm" trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh qua việc tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản trong vùng đồng bào DTTS; thông qua đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên… Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh đã thay đổi rõ rệt.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều mô hình hay, cách làm mới và kinh nghiệm quý báu trong triển khai, thực hiện công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS như: Kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái pháp luật vùng miền núi, DTTS trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An; kinh nghiệm trong thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc, đối ngoại nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị; kinh nghiệm phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái; công tác dân vận góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La; mô hình Dân vận khéo "Mỗi xã giúp một bản" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mô hình "Tổ dân vận nòng cốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" trên địa bàn tỉnh Bắc Giang…
Để công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS ngày càng thiết thực, hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Y Vinh Tor, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá: Các tham luận và ý kiến của các đại biểu phát biểu tại Hội nghị rất thiết thực và mang tính đặc thù của từng địa phương. Ngoài các vấn đề đã nêu tại Hội nghị, đồng chí Y Vinh Tor cũng đề nghị trong thời gian tới các đại biểu quan tâm đến một số vấn đề như quan tâm, phối hợp tạo điều kiện về thị trường lao động, kết nối cung - cầu, về chỗ ở cho các đồng bào DTTS đang tham gia thị trường lao động tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc; vấn đề hỗ trợ, giải quyết đất sản xuất, đất ở, những khó khăn về nhà ở cho đồng bào DTTS; giải quyết các dự án liên quan đến thủy điện, thủy lợi; đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS… "Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến đóng góp và trong thời gian tới sẽ tham mưu cho Ban Cán sự đảng Ủy ban Dân tộc và phối hợp với các ban, bộ, ngành tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ những chính sách cụ thể, có liên quan" - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tor cho biết.
|
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tor phát biểu tại Hội nghị |
Ghi nhận và đánh giá cao các tham luận và ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Hội nghị đạt được yêu cầu đề ra. Thông qua Hội nghị đã tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ trong tham mưu, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về công tác dân tộc, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, trao đổi, giới thiệu cách làm sáng tạo, hiệu quả; đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ về công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới.
|
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh phát biểu kết luận Hội nghị |
Đánh giá mỗi địa phương đều có mô hình, cách làm hay trong công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh mong muốn trong thời gian tới Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Dân tộc sẽ duy trì hội nghị này hằng năm. Qua đó, tăng cường sự phối hợp trong công tác giữa Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Dân tộc và Ban Dân vận, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố về công tác dân tộc, công tác dân vận; góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, công tác dân vận trong giai đoạn mới…
* Chiều cùng ngày, nằm trong khuôn khổ Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đại biểu dự Hội nghị đã tham quan một số mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của dân tộc Dao, dân tộc Mông tại xã Tả Phìn, thị xã Sapa.
Tin và ảnh: Hà Thanh