Thứ Bảy, 23/11/2024
Kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ

 Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp và đoàn làm việc với đoàn có đồng chí: Dương Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP); Nguyễn Hồng Điệp, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương, cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành; lãnh đạo Văn phòng Đảng - Đoàn thể Ban Cán sự đảng TTCP.

Theo Báo cáo tại buổi làm việc, sau khi Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW được ban hành, Ban Cán sự đảng đã phối hợp với Đảng ủy TTCP tổ chức quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc phổ biến, quán triệt, triển khai được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như: sao gửi, triển khai văn bản đến các đảng bộ, chi bộ, các cục, vụ, đơn vị trực thuộc; thông qua các hội nghị giao ban về chuyên môn, các hội nghị  công tác Đảng, các buổi sinh hoạt chi bộ...

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW, Ban Cán sự đảng TTCP đã phối hợp với Đảng ủy ban hành các chương trình, kế hoạch như: Chương trình hành động số 96-CTr/ĐU 21 ngày 14/8/2013 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 47-QĐ/ĐU ngày 28/10/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy TTCP về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của Đảng bộ TTCP; xây dựng và thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Nhờ đó đã tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc làm tốt công tác dân vận, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.


 Đồng chí Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương
phát biểu ý kiến tại buổi làm việc


Từ năm 2013 đến tháng 6/2023, TTCP chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã tiếp 200.512 lượt người với 51.050 vụ việc (khiếu nại 31.293, tố cáo, 9.242, khiến nghị phản ánh 10.515), với có 5,227 lượt đoàn đông người.

Tiếp nhận, giải quyết, xử lý 146.070 đơn, trong đó có 44.056 đơn đủ điều kiện xử lý, ban hành các văn bản hướng dẫn, chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định (36 610 đơn khiếu nại, 2.561 đơn tố cáo, 4.885 đơn kiến nghị, phản ánh); có 102.014 đơn không đủ điều kiện xử lý. Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân đối với 66 vụ việc, trong đó có 39 đoàn đông người. Kiểm tra rà soát, kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý 550 vụ việc khiếu nại, tố cáo do Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có những vụ việc rất phức tạp, đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại, tố cáo.

Ban Cán sự đảng, Đảng ủy TTCP thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc thực hiện, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể để đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện gắn với việc động viên, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, điển hình, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay trong công tác dân vận.

Trên cơ sở đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, của người đứng đầu các cục, vụ, đơn vị trong việc thực hiện công tác dân vận. Đổi mới toàn diện nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận chính quyền phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ cụ thể của các cục, vụ, đơn vị; cải tiến lề lối, phương thức làm việc theo hướng “gần dân, tôn trọng dân, có trách nhiệm với dân”; tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, lắng nghe ý kiến của dân; chống những biểu hiện tiêu cực tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phong làm việc được cải thiện, trách nhiệm trong thực thi công vụ được tăng cường, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Các đại biểu dự buổi làm việc đã có nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung: đổi mới thực hiện công tác dân vận của chính quyền; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; việc xây dựng các mô hình, gương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”; thực hiện dân chủ ở cơ sở, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo…, làm rõ thêm các kết quả đạt được, những hạn chế trong quá trình thực hiện; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW.


 Đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao những kết quả Ban Cán sự đảng TTCP đạt được trong công tác dân vận thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Lam đề nghị, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy TTCP tiếp tục triển khai có chiều sâu Nghị quyết 25-NQ/TW, Kết luận 43-KL/TW gắn với các văn bản của Trung ương, Chính phủ; tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện nghị quyết cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn nhằm tạo được đồng thuận của người dân.

Cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao đạo đức công vụ, thực hiện nghiêm Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật liên quan. Xây dựng và thực hiện tốt phong cách làm việc “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Tập trung giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Xử lý nghiêm những công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân trong quá trình thi hành công vụ. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, rà soát và chọn mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu để nhân rộng nhằm tạo sự lan tỏa sâu, rộng trong toàn ngành cũng như trong cộng đồng… Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra giám sát; nâng cao nghiệp vụ công tác; củng cố, kiện toàn bộ máy; nỗ lực với quyết tâm chính trị cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với các kiến nghị, đề xuất được đưa ra tại buổi làm việc, Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp thu, tổng hợp để xem xét, giải quyết.


Đồng chí Dương Quốc Huy, Phó Tổng TTCP  phát biểu tại buổi làm việc

Thay mặt Ban Cán sự đảng TTCP, đồng chí Dương Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận, Phó Tổng TTCP tiếp thu ý kiến của đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Đồng thời đồng chí khẳng định: Công tác dân vận được xác định là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, có ý nghĩa chiến lược đối với công tác xây dựng Đảng và toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung và của ngành Thanh tra nói riêng... Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân vận trong tình hình mới, đồng chí Dương Quốc Huy đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn ngành Thanh tra tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW và Kết luận số 43-KL/TW. Lãnh đạo thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực, chất lượng hiệu quả công tác dân vận; xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện nghị quyết cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn, nhiệm vụ của ngành Thanh tra nói chung và TTCP nói riêng nhằm tạo được đồng thuận của người dân./.

Hoàng Phong

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác