|
Quang cảnh Hội thảo |
Tham gia chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Dự Hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận một số tỉnh, thành ủy khu vực phía Bắc; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Dân vận Trung ương.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển khai nghiên cứu khoa học của Đề tài trọng điểm quốc gia “Bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” (mã số KX.04.11/21-25) do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Chủ nhiệm Đề tài.
“Dân là gốc” - điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương nêu rõ, sức mạnh nhân dân là hệ thống những giá trị tốt đẹp làm nên sức mạnh của người Việt Nam, được các thế hệ người Việt Nam không ngừng bồi đắp, phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Kể từ khi thành lập, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn xác định “Dân là gốc” - là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
|
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo |
"Gần 40 năm qua, kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với việc vận dụng có hiệu quả bài học “ Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, việc vận dụng bài học “ Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn có đổi mới để đáp ứng yêu cầu, đỏi hỏi của thực tiễn, nhất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã được cụ thể hóa với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước" - đồng chí Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời gian qua, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho rằng, đứng trước những cơ hội và thách thức của tình hình mới, chúng ta càng ý thức được tầm quan trọng của bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, “Ý Đảng, Lòng Dân”, vai trò to lớn của sức mạnh của nhân dân, của toàn dân tộc và trách nhiệm xây dựng Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp chấn hưng, phát triển đất nước mà nhân dân giao phó.
Đồng chí Phạm Tất Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề chủ yếu như: tiếp tục làm rõ giá trị tư tưởng, lý luận của bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và quan điểm của Đảng ta về phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Hệ thống hóa, bổ sung những vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm trong vận dụng có hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” về phát huy vai trò của các giai tầng xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước. Tiếp tục làm rõ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, ý chí tự lực tự cường trong việc phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhận diện những nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Những vấn đề lý luận mới và kinh nghiệm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong công cuộc đổi mới đất nước.
"Nhân dân là trung tâm, là chủ thể" trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Góp ý tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: “Quyền làm chủ của nhân dân” là một khái niệm rất cụ thể, nội hàm rất rõ ràng, quyền làm chủ là làm chủ chính quyền nhà nước, quyền tham gia vào các công việc của nhà nước, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, nhân dân làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ vận mệnh của đất nước. Việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua các cơ quan dân cử là giải pháp đầu tiên và tất yếu để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp trong quá trình xây dựng nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa. Để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua các cơ quan dân cử, giải pháp đặt ra trước hết là nâng cao ý thức trách nhiệm của từng đại biểu dân cử, từng người dân. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình và để nhân dân thuận lợi nhất trong việc giám sát, theo dõi, đánh giá hoạt động của đại biểu do mình bầu ra.
|
Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội thảo |
Liên quan đến sự phát triển nhận thức về vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò và ảnh hưởng rất quan trọng trong việc phát huy dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, để đi đến nhận thức nêu trên là cả một quá trình dài nhiều năm không ngừng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng, nhất là trong quá trình đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đến nay. Những quan điểm và chủ trương lớn của Đảng thể hiện bước phát triển quan trọng về tư duy chính trị và về phương thức lãnh đạo đối với công tác Mặt trận, đối với việc củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ của nhân dân; nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Đó là những điều kiện mới về chính trị rất thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu cao đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả tổ chức và hoạt động của mình tương ứng với chức năng, trách nhiệm, vị trí ngày càng được nâng cao trong giai đoạn mới.
Đưa ra một số kinh nghiệm nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, góp phần đưa tỉnh Hà Nam từ một tỉnh thuần nông, còn nhiều khó khăn trở thành tỉnh thứ tư hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, tỉnh Hà Nam rút ra 6 kinh nghiệm, đó là: (1) Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương phải thực hiện tốt công tác dân vận. (2) Để người dân thực sự là chủ thể, cần khẳng định và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân chủ động tham gia. (3) Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. (4) Xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao vai trò của người dân, nhất là các quy định những điều “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cả về nội dung và phương thức thực hiện, trong đó cần tập trung nhiều hơn, cụ thể và rõ ràng hơn vào nội dung kinh tế. (5) Tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “phong trào sản xuất kinh doanh giỏi”, “chung sức xây dựng nông thôn mới” với các hình thức hiệu quả. (6) Nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hóa, khuyến khích, động viên các lực lượng tham gia, kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh, bảo vệ thuần phong mỹ tục ở nông thôn.
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam Đinh Thị Lụa phát biểu tại Hội thảo |
Phát huy sức mạnh của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay
Đề xuất những giải pháp tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí, nghị lực và sức sáng tạo của con người Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, TS. Nguyễn Văn Hùng, Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cần đầu tư, quan tâm giáo dục, đào tạo; đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ trong công tác dân vận, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc...
Về phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, lãnh đạo thực hiện tốt các quy định của Đảng về tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tỉnh luôn xác định phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Đồng thời, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội… Nhờ đó, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu bứt phá ấn tượng về kinh tế - xã hội.
|
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội thảo |
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận, phát biểu của PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐKH các cơ quan Đảng Trung ương về sự nhất quán và tư duy mới về phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới; tham luận của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam về xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế; tham luận của Thành ủy Hải Phòng về bài học kinh nghiệm trong việc vận dụng bài học "dân là gốc", "dân là trung tâm" trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng…
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài trọng điểm quốc gia KX.04.11 đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu dự và tham luận tại Hội thảo. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: Qua Hội thảo cho thấy từ thực tế nghiên cứu khoa học, chỉ đạo, lãnh đạo, tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ theo vị trí, vai trò, chức năng của từng cơ quan, đơn vị, các đại biểu đã bổ sung, khẳng định, tiếp tục làm rõ giá trị tư tưởng, lý luận của bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và xây dựng, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua các thời kỳ cách mạng.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu kết luận Hội thảo |
"Các ý kiến, tham luận của các đại biểu dự Hội thảo cũng đã nêu rõ, vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả mọi quyền lực thuộc về nhân dân; quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng… Cũng qua Hội thảo, các lãnh đạo bộ, ban, ngành, các địa phương, Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy đã trao đổi cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong lãnh đạo chỉ đạo, tham mưu để cấp ủy các cấp chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhân dân; thực hiện tốt quan điểm nhân dân là chủ, nhân dân là gốc, nhân dân là chủ thể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, các tham luận, ý kiến của các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều vấn đề mới đang đặt ra hiện nay về vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể, đòi hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới" - đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.
Tiếp thu đầy đủ các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài mong muốn các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành ủy tiếp tục phối hợp Ban Dân vận Trung ương hoàn thành nghiên cứu, giúp Đảng ta giải quyết vấn đề lý luận về vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc…
Tin và ảnh: Hà Thanh