Thứ Tư, 25/12/2024
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
 
Quang cảnh Hội nghị 


Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực và các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Đỗ Văn Phới, Triệu Tài Vinh, Bùi Tuấn Quang, Nguyễn Lam.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Ban Dân vận Trung ương…

 
Các đồng chí lãnh đạo dự Hội nghị 


Tiếp tục đổi mới CTDV, hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương trình bày Báo cáo Tổng kết CTDV năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Theo đó, trong năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng ở trung ương và địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc điều lệ Đảng, các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về CTDV của hệ thống chính trị. Cụ thể là, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm ban hành 01 nghị quyết và 07 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo CTDV; chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về CTDV. Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, giao Ban Dân vận Trung ương chủ trì tham mưu tổng kết một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận về CTDV; chủ trì xây dựng một số đề án mới về CTDV như: tổng kết mô hình thí điểm Hội người cao tuổi cấp tỉnh, huyện; xây dựng mô hình tổ chức và quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ...

 
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng
trình bày báo cáo tại Hội nghị
 


Các cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo, tổ chức 14.342 hội nghị với 949.721 lượt người tham dự để học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương về CTDV, dân tộc, tôn giáo, thực hiện dân chủ ở cơ sở; đã chỉ đạo sơ kết, tổng kết về CTDV, dân tộc, tôn giáo, dân chủ cơ sở. Nhiều tỉnh, thành ủy đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện CTDV phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, đáp ứng kịp thời với tình hình, tiêu biểu như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Hậu Giang…

Các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị đã quan tâm đổi mới CTDV, hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở; nêu cao vai trò giám sát, phản biện, phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, xây dựng “chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”; tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của Nhân dân.

Năm 2023, cả nước có 183.676 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, trong đó, các cấp có thẩm quyền đã công nhận 120.622 mô hình, gồm 75.340 mô hình tập thể, 45.282 mô hình cá nhân. Có 281 cuộc thi, hội thi về CTDV, Dân vận khéo; 3.790 tin, bài, phóng sự về CTDV; 12.911 tập thể và 18.492 cá nhân được khen thưởng, biểu dương vì có thành tích trong CTDV. 

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa sâu, rộng, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia; tạo đồng thuận xã hội, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Ban Dân vận Trung ương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, trong đó, đã tham mưu ban hành các nghị quyết, kết luận, quyết định như: Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Quyết định số 118-QĐ/TW, ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư về Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; Kết luận số 54-KL/TW, ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về Tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 58-KL/TW, ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư về Tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam… góp phần hoàn thiện thể chế về CTDV; áp dụng thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị; làm căn cứ cho cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nhiệm vụ thuận lợi.

 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị 


Ban Dân vận các cấp đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt CTDV; phổ biến, quán triệt và kịp thời cụ thể hóa, ban hành các văn bản, tổ chức sơ kết, tổng kết các quyết định, quy định, hướng dẫn của Đảng về CTDV của Đảng; xây dựng chương trình và triển khai thực hiện CTDV có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nhiệm vụ chính trị của địa phương, các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân theo hướng sát thực, hiệu quả, gắn với cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát liên quan đến CTDV, dân tộc, tôn giáo và thực hiện luật dân chủ ở cơ sở.

CTDV của cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu phục vụ Nhân dân của cán bộ, đảng viên được nâng lên, nhất là người đứng đầu; cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, công tác tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát, góp ý trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân có nhiều chuyển biến rõ nét.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở. Hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tăng cường. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả góp phần quan trọng tăng cường sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện toàn diện, đồng bộ và hiệu quả CTDV

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe một số tham luận của đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo một số tỉnh ủy, thành ủy; Ban Dân vận tỉnh ủy, thành ủy và Cục Dân vận (Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam). Các ý kiến nhất trí cao với Báo cáo tại Hội nghị, đồng thời tập trung vào thực tiễn CTDV của địa phương, đơn vị; làm rõ hơn những kết quả đạt được; bổ sung, chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện; đóng góp những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện CTDV nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả CTDV của hệ thống chính trị trong thời gian tới.

Tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Một trong các điểm nổi bật của CTDV năm 2023 là MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động, kêu gọi và vận động toàn xã hội quan tâm, chăm lo, giúp đỡ người nghèo, địa phương nghèo. Trong đó, đã phối hợp với tỉnh Điện Biên và các cơ quan liên quan triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo có nhà dột nát của tỉnh Điện Biên. Tính đến hết năm 2023, từ nguồn vận động hỗ trợ, tỉnh Điện Biên đã triển khai hỗ trợ làm 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó 4.830 căn nhà đã hoàn thành và bàn giao sử dụng, 170 căn còn lại sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

 
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị 


Chia sẻ một số kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động nhân dân thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, với nhiệm vụ trọng tâm nhất là giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình trọng điểm, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết: Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân dành đất cho các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và đã tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công tác giải phóng mặt bằng; nút thắt giải phóng mặt bằng dần được tháo gỡ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án đầu tư phát triển. Chỉ trong năm 2023, tỉnh đã giải phóng mặt bằng được khoảng 3.000 ha. Từ thực tiễn, tỉnh rút ra kinh nghiệm: (1) Dân vận phải đi trước một bước và thực hiện dân vận toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; (2) Nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân trong khu vực ảnh hưởng của dự án; (3) Thực hiện tuyên truyền, vận động liên tục, thường xuyên với đa phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng; (4) Bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; (5) Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành trong truyên truyền, vận động và xử lý nhanh, nhất quán các vấn đề phát sinh.

Làm rõ hơn những kết quả và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTDV, công tác dân tộc, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên nêu rõ: Thông qua CTDV, nhiều nội dung trọng tâm của tỉnh được Nhân dân đồng tình ủng hộ như: Tham gia xây dựng nâng cấp Sân bay Điện Biên Phủ trong thời gian 7 tháng, di chuyển ổn định tái định cư cho hơn 1.500 hộ; chủ động vận động hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo thông qua Chương trình Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội từ nguồn xã hội hóa; năm 2023 - 2024 triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho 5.000 hộ nghèo từ vốn xã hội hóa do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; thực hiện chương trình giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các dự án thu hút đầu tư…

Liên quan đến vấn đề đối thoại giải quyết khó khăn, nâng cao hiệu quả CTDV của chính quyền và giải quyết những búc xúc, kiến nghị của nhân dân, đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho rằng: Tỉnh Hậu Giang xác định tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân là nội dung quan trọng, yếu tố then chốt trong việc thực hành dân chủ. Trên địa bàn tỉnh, công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả; hình thức và nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại không ngừng đổi mới. Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 143 cuộc (trong đó cấp tỉnh 5 cuộc, cấp huyện 23 cuộc, cấp xã 115 cuộc); qua đó phát huy quyền làm chủ thật sự của các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không xảy ra các vụ khiếu kiện đông người, điểm nóng...

 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến phát biểu tại Hội nghị 


Theo Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, năm 2023, Cục Dân vận tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện nhiều mô hình hoạt động CTDV, nhất là những mô hình, điển hình "Dân vận khéo" của Quân đội tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới, hải đảo. Tiêu biểu như các mô hình: "Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới" của Quân khu 7; "Kết nghĩa bền chặt giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương" của Binh đoàn 15; "Con nuôi đồn biên phòng", "Nâng bước em tới trường" của Bộ đội Biên phòng; "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", "Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân"…

Về phát huy vai trò người có uy tín trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng chí Nguyễn Đức Tuy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum đề xuất các giải pháp: thường xuyên phổ biến, quán triệt quan điểm của Đảng về vị trí, phát huy vai trò của người có uy tín; chính quyền các cấp tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên xây dựng đội ngũ người có uy tín ở cơ sở, kịp thời tuyên dương, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu; quan tâm xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Tăng cường CTDV của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương bày tỏ sự vui mừng khi dự Hội nghị toàn quốc tổng kết CTDV năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và tình cảm sâu sắc với CTDV và ngành Dân vận.

 
 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai
phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Tán thành với báo cáo tổng kết của Ban Dân vận Trung ương và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ, năm 2023, CTDV đã đạt được 4 kết quả nổi bật, đó là:

Thứ nhất, từ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có những văn bản liên quan trực tiếp đến CTDV. Qua đó, CTDV được tăng cường, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tăng cường sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ hai, năm 2023, Ban Dân vận Trung ương đã tham mưu và hoàn thành tất cả các đề án, báo cáo mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Ban Dân vận các cấp chủ động tham mưu cấp ủy tăng cường công tác vận động các tầng lớp nhân dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ ba, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đất nước đối mặt nhiều vấn đề, thách thức mới cả về chủ quan và khách quan, trong đó việc dịch bệnh COVID-19, suy thoái kinh tế, cạnh tranh giữa các nước lớn, xung đột ở một số khu vực... ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cũng như mối quan hệ Đảng - Dân; nhưng thông qua sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị các cấp, cũng như khối Dân vận; đã góp phần cơ bản giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong CTDV. Qua đây, cũng đặt ra những yêu cầu tiếp tục đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTDV của Đảng và hệ thống chính trị trong giai đoạn phát triển mới.

Thứ tư, công tác vận động quần chúng đã tạo môi trường để đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, nâng cao phẩm chất đạo đức, gương mẫu, năng lực công tác, tích lũy kinh nghiệm, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng về công tác vận động quần chúng.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương kết quả nổi bật CTDV mà toàn hệ thống chính trị và trực tiếp là ngành Dân vận của Đảng đã đạt được trong năm 2023. Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc 05 quan điểm trong Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới”; người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về CTDV của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị làm CTDV đạt hiệu quả cao; tăng cường sự phối hợp, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện CTDV.

“Thời gian đến cuối nhiệm kỳ không dài, tôi mong muốn trong quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV của Đảng, các đồng chí dành sự quan tâm đối với CTDV; thảo luận, đóng góp, làm sâu sắc thêm, đề xuất những vấn đề cho CTDV nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng sao cho đạt kết quả thực chất, vững chắc” - Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai lưu ý.

Đồng chí Trương Thị Mai mong muốn CTDV của hệ thống chính trị năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả sâu sắc, toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, đáp ứng yêu cầu, trọng trách của Đảng và nhân dân tin tưởng giao cho. "Trong công tác dân vận phải thực lòng, thực tâm, thực chất. Ngành Dân vận phải là cầu nối vững chắc giữa Đảng với Nhân dân" - Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận  Trung ương trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương để cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác năm 2024 và những năm tiếp theo. Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị ý kiến của các đại biểu phát biểu tại Hội nghị, để hoàn thiện, bổ sung Báo cáo và thực hiện tốt hơn công tác tham mưu, hướng dẫn trong thời gian tới.

 
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu kết luận Hội nghị 


Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đề nghị ngành Dân vận tập trung nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là tham mưu, sơ kết, tổng kết, xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch; tăng cường nắm tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo để kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề nhân dân bức xúc, những vấn đề phức tạp, phát sinh từ cơ sở; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước; tăng cường CTDV của các cơ quan nhà nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phục vụ sự phát triển; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế CTDV của hệ thống chính trị, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng các cấp về CTDV…

 
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai;
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài
và các đại biểu dự Hội nghị
 


Tin và ảnh: Hà Thanh - Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác