Thứ Sáu, 13/9/2024
Xuân về, học tập và làm theo Bác qua thơ chúc Tết “đoàn kết - thành công”, triển khai tốt việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW

 Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh
 ngày 02/02/1965 

Đã 55 năm ngày Bác đi xa, nhưng mỗi khi xuân về, tết đến, chúng ta vẫn xúc động, thấm thía khắc ghi những vần thơ chúc Tết bình dị, ấm áp mà hào sảng của Người với tinh thần chủ đạo “đoàn kết - thành công”, vững niềm tin vào thắng lợi và tương lai tươi sáng.

Xuân về, nhớ thơ chúc Tết của Bác về "đoàn kết - thành công"

Là nhà hoạt động cách mạng kiệt xuất, nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sử dụng văn học, nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền, động viên, đoàn kết nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức lực lượng làm cách mạng.

Đoàn kết vốn là truyền thống cực kỳ quý báu trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; đã trở thành một động lực to lớn, một triết lý nhân sinh và hành động để dân tộc ta vượt qua bao biến cố, thăng trầm của thiên tai, địch họa, để tồn tại và phát triển bền vững. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm, tư tưởng về đoàn kết - đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn dân tộc được Người xây dựng trên nền tảng đúc kết từ lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử cách mạng thế giới, với cốt lõi là tư duy sâu sắc về bản chất, vai trò, vị trí của con người trong thế giới, của nhân dân trong xã hội. Một cây làm chẳng lên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Nghiên cứu lịch sử dân tộc, Người khẳng định: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi…”.

Trong bài thơ chúc Tết Nhâm Ngọ 1942 ở căn cứ địa Cao Bằng, Người viết:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong/ Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi/ Chúc đồng bào ta “đoàn kết” mau/ Chúc Việt Minh ta càng tiến tới/ Chúc toàn quân ta trong năm này/ Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới/ Năm này là năm ăn Tết vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới.

Lúc này, chiến tranh Thế giới lần thứ 2 bắt đầu, phe trục phát xít chủ động tấn công và giành nhiều vùng đất đai rộng lớn, phe đồng minh bị động liên tiếp thất bại, thiệt hại nặng nề, thời thế chưa có chiều hướng tốt. Nhưng, bằng cảm quan của một nhà cách mạng xuất chúng, Bác đã khẳng định “phe xâm lược sẽ diệt vong”, “phe dân chủ sẽ thắng lợi”. Đây cũng chính là điều kiện để cách mạng Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa. Thời điểm này, mặc dù cách mạng chưa thành công nhưng ý tưởng về ngọn Quốc kỳ của nhà nước công nông với cờ đỏ sao vàng đã được tượng hình: “Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới”. Và quả đúng ba năm sau, Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước ta.

Có một câu chuyện thực tế, như một bài học lịch sử về “đoàn kết”, Bác để lại cho muôn đời thế hệ cháu con. Sau Tết Đinh Hợi năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra trong phạm vi cả nước, các cơ quan Trung ương đã chuyển lên ATK Việt Bắc làm việc ở lán trong rừng. Cán bộ, bộ đội sống xen với bà con dân tộc, phong tục tập quán chẳng giống nhau, ngôn ngữ bất đồng, đôi khi phát sinh một số va chạm nhỏ. Để giáo dục cán bộ, bộ đội, công nhân và cả bà con từ tứ phương tản cư đến, trong vườn rau của Bác, Người đã trồng một giàn bầu, bí cùng “leo chung một giàn”, dây nào cũng đơm hoa, kết trái, ai đi qua cũng thích mắt, dừng chân ngắm nhìn. Một cán bộ nông vận thấy lạ, mạnh dạn hỏi Bác tại sao Bác không trồng mỗi loại cây ở một giàn khác nhau? Bác mỉm cười nói: “Chú có nhớ câu ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn không? Bác trồng như thế để mọi người phải nhớ “đoàn kết” với nhau mà làm việc, ai cũng phải đoàn kết dân tộc, đoàn kết ngược xuôi, đoàn kết công nông, quân dân đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc thành công”.

Không lâu sau đó, lời dạy bất hủ của Hồ Chủ tịch qua giàn bầu bí chung sống một giàn lan truyền khắp nơi, mọi người thấm thía, thi đua làm theo lời dạy của Bác. Như vậy, tư tưởng về đại đoàn kết của Bác còn là đạo lý sống và lối ứng xử Việt Nam vô cùng cao đẹp.

Mừng Xuân Mậu Tý 1948, sau chiến thắng Việt Bắc ít lâu, Bác viết:

Gửi lời chúc đồng bào/ Kháng chiến được thắng lợi/ Toàn dân “Đại đoàn kết”/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công.

Xuân Canh Tý 1960, cả nước mừng xuân, đón nghe, đọc thơ chúc Tết của Người:

Mừng nước nhà ta 15 xuân xanh!

Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!

Chúc đồng bào ta “đoàn kết” thi đua

Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh

Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ

Cả nước một lòng hăng hái tiến lên

Thống nhất nước nhà Bắc Nam vui vẻ!

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9/1960 - Đại hội của Đảng họp lần đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội đã xác định nhiệm vụ chiến lược chung của cách mạng cả nước: Tăng cường đoàn kết các dân tộc, quyết tâm đấu tranh giữ vững hòa bình; đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; tiến tới hòa bình thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ. Cách mạng hai miền có quan hệ mật thiết, gắn bó và tác động lẫn nhau, và đều nhằm thực hiện một nhiệm vụ chiến lược chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

Ở miền Bắc, từ năm 1960 đã bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi diễn ra, như: “Duyên hải”, “Đại phong”, “Thành công”, “Ba nhất”, “Hai tốt”, đặc biệt là phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Công nghiệp được ưu tiên xây dựng, giá trị sản lượng ngành công nghiệp nặng năm 1965 tăng 3 lần so với năm 1960; nông nghiệp thực hiện chủ trương xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao, nhiều hợp tác xã đã đạt năng suất 5 tấn lúa/ha. Hệ thống giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe được phát triển…

Lời thơ chúc Tết Canh Tý 1960 của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời hịch non sông, đã thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cả nước đoàn kết một lòng, quyết tâm đánh thắng đế quốc xâm lược. Nhờ đó, miền Bắc đứng vững trong những đợt đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ và hoàn thành nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Xuân Giáp Thìn 1964 là thời điểm năm thứ tư của thời kỳ miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Cách mạng nước ta có nhiệm vụ vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa phải chống Mỹ, cứu nước ở Miền Nam. Thơ chúc Tết năm 1964 của Bác nhắn gửi nhân dân:

Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/ Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân.      

Sang năm Bính Ngọ 1966, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân ngày càng ác liệt, trong thơ chúc Tết năm ấy, Bác đã viết:

Mừng miền Nam rực rỡ chiến công.

Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng

Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng

Đồng bào cả nước “đoàn kết” một lòng

Tiền tuyến, hậu phương toàn dân cố gắng

Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong

Chống Mỹ, cứu nước ta nhất định thắng.

Và, bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác vào Xuân Kỷ Dậu 1969:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên, chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Dù trong bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác không trực tiếp nhắc đến hai chữ "đoàn kết", nhưng tư tưởng xuyên suốt của bài thơ hướng tới mục tiêu chung là "Bắc Nam sum họp", đất nước được hòa bình, thống nhất, nhân dân được sum vầy, hạnh phúc. Và thực tế đã chứng minh rằng nhờ "đoàn kết" mà chúng ta đã phát huy được sức mạnh toàn dân giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thực hiện đổi mới đất nước.


 Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương tặng quà cho xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ,
trong “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại tỉnh Lai Châu

Học tập và làm theo Bác về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo chủ trương của Đảng và triển khai tốt việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW

Tư tưởng và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với khối đại đoàn kết dân tộc từ lịch sử mà Người dày công xây dựng, củng cố là một di sản vô cùng quý báu cho Đảng ta và dân tộc ta. Đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay. Bên cạnh văn kiện Đại hội Đảng từ khóa VI đến khóa XIII, quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc còn được khẳng định trong các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành, trọng tâm là: Nghị quyết 8B, Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương khóa VI về Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 Hội nghị BCH lần thứ bảy khóa IX về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết số 23-NQ/TW đã xác định đại đoàn kết toàn dân tộc "là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", liên quan đến sự tồn vong và phát triển của dân tộc. Tại Nghị quyết này, Đảng ta sử dụng thuật ngữ "đại đoàn kết toàn dân tộc" với ý nghĩa mở rộng đại đoàn kết, đoàn kết không chỉ ở trong nước mà còn với cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Một điểm nhấn là, ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm là Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Sự ra đời của ngày hội đại đoàn kết dân tộc đã minh chứng cho việc đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm qua, Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư ngày càng được quan tâm, diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ngày hội đại đoàn kết đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn tiếp tục được bảo tồn và phát huy; cùng với đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, khai thác, vận dụng một cách sáng tạo những giá trị trong tư tưởng của Bác về đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ, giải pháp có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng.

Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 "Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc". Nghị quyết số 43-NQ/TW bổ sung, phát triển những quan điểm của Đảng ta đã đề ra trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cụ thể hóa nội dung về phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong các chủ trương của Đảng mới được ban hành, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nghị quyết đã nêu 4 quan điểm và xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, năm 2045 và giữa thế kỷ XXI. Trong đó, Đảng ta tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; là nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới. Nghị quyết xác định lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết số 43 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: (1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. (2) Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước. (3) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. (4) Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. (5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân. (6) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. (7) Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhìn lại 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Nhưng trong khó khăn, thử thách, truyền thống đoàn kết, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được tỏa sáng, phát huy cao độ. Các tầng lớp nhân dân đã chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đặc biệt, các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư… có tác dụng thiết thực, hiệu quả, tạo sự gắn kết cộng đồng, đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh toàn dân trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay. 

Ngay Tết đầu tiên sau Độc lập, đau lòng chứng kiến cảnh một gia đình “Tết mà không có tết” ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã tâm sự với các đồng chí phục vụ: “Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”. Suốt 24 năm làm Chủ tịch Nước, mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc.

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2024, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt Chỉ thị số 26, ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; chủ động, tích cực phối hợp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.

Một mùa xuân mới đang về. Cả dân tộc hân hoan mừng Xuân, mừng Đảng thêm tuổi mới và nhớ về Bác Hồ kính yêu với tất cả lòng thành kính, biết ơn vô hạn. Chúng ta nguyện thực hiện tốt lời dạy của Bác: "Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh"; "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, như mong muốn của Người!

PHAM TẤT THẮNG

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất