Thứ Bảy, 20/4/2024
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa XI) về công tác dân vận làm việc tại tỉnh Hà Giang
 
 Đồng chí Điểu K’ré và đồng chí Triệu Tài Vinh chủ trì
buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang

Làm việc với Đoàn có các đồng chí: Triệu Tài Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh; Ly Mí Lử, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hà Giang.

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có gần 278 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, diện tích đất tự nhiên gần 7.915 km2, trong đó diện tích đồi núi đá chiếm khoảng 80%; có 10 huyện và 01 thành phố trực thuộc, 195 xã, phường, thị trấn, 2.069 thôn, tổ dân phố, trong đó có 06 huyện với 134 xã thuộc Chương trình 30a, 1.408 thôn đặc biệt khó khăn; có 07 huyện với 34 xã, thị trấn, 127 thôn giáp biên giới; dân số trên 80 vạn người, 19 dân tộc, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 87% dân số toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành.

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, thời gian qua, Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận trong tình hình mới, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của công tác dân vận trên các lĩnh vực.

Công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang đã bám sát vào các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về công tác dân vận và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được nâng lên. Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã ban hành Chương trình số 86-CT/TU về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 10 chương trình, 22 kế hoạch, 01 chỉ thị, 06 quyết định, 02 hướng dẫn, 05 đề án để thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác dân vận, gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn với chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.

Công tác dân vận của tỉnh thời gian qua đã có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả, tập trung về cơ sở. Công tác phối hợp giữa ngành và cấp có nhiều chuyển biến trong nắm bắt thông tin, giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc ở cơ sở. Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể với nhân dân, đoàn viên, hội viên được tổ chức thường xuyên. Công tác dân vận chính quyền có nhiều chuyển biến, tập trung vào công tác cải cách hành chính và giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân. MTTQ, các đoàn thể thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức và phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy thông qua việc lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành, xây dựng các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của các cấp, các ngành. Tỉnh đã tổ chức 1.166 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để nắm bắt tình tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tình hình đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được tổ chức, phát động gắn với thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và nhu cầu của người dân. Trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay toàn tỉnh có 2.933 mô hình và nhân rộng 706 mô hình “Dân vận khéo”, tiêu biểu như: “Trồng rừng kiểu mới 9ha” và “Dược liệu trồng dưới tán rừng” của huyện Vị Xuyên; mô hình “Nuôi bò hàng hóa” của huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; mô hình “Hợp tác xã kiểu mới” và “Thôn tự chủ - tự quản” của huyện Bắc Quang, Quang Bình; diễn đàn “Mặt trận nghe dân nói” của huyện Quang Bình; Mô hình “Hội nghệ nhân dân gian”, mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” “Xếp đá làm ruộng bậc thang”, “Cải tạo vườn đồi tạp”, “Chiều thứ 6 nghe dân nói”, “Nhóm hộ tự quản đường biên mốc giới”, “Ngày thứ 7 hướng về nông thôn”… Qua đó tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Nhân dân tin tưởng sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, nhất là sự đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tác phong, lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tạo nên bầu không khí tích cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác và lãnh đạo địa phương đã trao đổi nhiều vấn đề nhằm làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, kết quả đạt được và hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác dân vận qua thực tiễn ở Hà Giang. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Hà Giang có xuất phát điểm về dân sinh, kinh tế rất thấp, nhưng Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Biến khó khăn thành thế mạnh, Hà Giang biết gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng. Quan tâm đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng sát dân, nắm dân, phát huy dân chủ ở cơ sở… Thúc đẩy khởi nghiệp, nhất là trong lứa tuổi thanh niên, tận dụng tốt tiềm năng về đất đai, lao động, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả và có lộ trình cụ thể, rõ ràng…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã ghi nhận, biểu dương kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của tỉnh Hà Giang. Với điều kiện kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với ý chí, quyết tâm cao, Tỉnh đã thể hiện rõ sự tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận qua việc thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo được những chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm qua đạt bình quân trên 7%; Tỷ lệ hộ nghèo không ngừng giảm qua từng năm, an sinh xã hội được đảm bảo; hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt với nhiều mô hình, điển hình luôn được quan tâm phát huy, nhân rộng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.


 Đồng chí Điểu K’ré và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang
 trao học bổng cho các em học sinh người dân tộc Pà Thẻn tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang

Thống nhất với tự đánh giá mặt tồn tại, hạn chế của địa phương trong thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, đồng chí Điểu K’ré đề nghị, thời gian tới, Hà Giang cần tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân vận trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chăm lo đời sống, việc làm, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của nhân dân. Nâng cao hiệu quả phối hợp các cấp, các ngành, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện giám sát và phản biện xã hội một cách đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với dân vận chính quyền và cải cách hành chính, tăng chỉ số hài lòng của người dân vào sự phục vụ của chính quyền.

Đồng chí Điểu K’ré cho rằng, với 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Hà Giang cần thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh tiếp tục quan tâm chính sách khuyến khích đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực, ý thức tự chủ vươn lên của mỗi người dân, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trước đó, đồng chí Điểu K’ré và đoàn công tác đã làm việc tại các địa phương, đơn vị: Sở Nội vụ; xã Tân Lập, huyện Bắc Quang; gặp mặt, tặng 50 suất học bổng mỗi suất trị giá 1.000.000đ cho các em học sinh tiểu học và 50 suất quà mỗi suất trị giá 500.000đ cho các hộ gia đình gặp khó khăn là người dân tộc Pà Thẻn xã Tân Lập./.

Phương Thủy

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất