Chủ Nhật, 5/1/2025
Đoàn kiểm tra Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 25 về công tác dân vận làm việc với Ban Dân nguyện

 Đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25 về công tác dân vận cho thấy Ban Dân nguyện đã tích quán triệt, phổ biến và triển khai các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận đến mỗi cán bộ, đảng viên, công chức. Gắn việc thực hiện Nghị quyết số 25 với thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao và góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương về công tác dân vận của Đảng thành chính sách, pháp luật. Cán bộ, đảng viên, công chức của Ban nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, quan tâm gắn bó với nhân dân, phát huy dân chủ, tích cực xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổng hợp, xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời…

Trong công tác tiếp công dân, Ban Dân nguyện đã tổ chức, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện cho các cơ quan của Quốc hội thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân phục vụ các Hội nghị Trung ương và các kỳ họp Quốc hội. Cụ thể là trong 5 năm, từ 2013 đến tháng 4/2018, Ban Dân nguyện đã tiếp 41.608 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Quốc hội về 13.811 vụ việc.

Trong công tác xử lý đơn thư và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; từ năm 2013 đến tháng 4/2018, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loaiị 85.962 đơn, thư của công dân và chuyển đến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các đơn, thư thuộc thẩm quyền xử lý và được giao xử lý, Ban Dân nguyện cũng đã ban hành 1.980 công văn chuyển đơn và đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Hàng năm, Ban Dân nguyện đã tham mưu và chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Đoàn giám sát về khiếu nại, tố cáo. Trong đó đặc biệt chú trọng đến giám sát việc giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài. Qua hoạt động giám sát, Đoàn giám sát đã có những kiến nghị, báo cáo cụ thể để chỉ rõ nguyên nhân, khắc phục hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, chính quyền địa phương; bảo đảm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Riêng trong năm 2017, nhờ đổi mới cách thức tiến hành giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà số vụ việc được các cơ quan giải quyết xem xét lại (theo kiến nghị của Ban Dân nguyện và Đoàn giám sát) đạt 75,43%.

Trong tiếp nhận và xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri, từ năm 2013 đến nay, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, tổng hợp, phân loại và xử lý 18.997 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Căn cứ vào kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến, Ban Dân nguyện đã xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét tại các kỳ họp. Các báo cáo cũng giúp Quốc hội nắm được ý kiến đóng góp của cử tri đối với một số dự án luật cụ thể để nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành pháp luật.


 Đồng chí Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện phát biểu tại buổi làm việc

Các đồng chí trong đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề quan tâm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Dân nguyện. Trao đổi với Đoàn công tác, đồng chí Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện khẳng định công tác dân vận của Ban Dân nguyện cũng gắn với việc triển khai công tác dân vận của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi nắm bắt và góp phần ổn định tình hình nhân dân; tham mưu việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận thành pháp luật; chuẩn bị những ý kiến kiến nghị, vấn đề đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét thảo luận, cho ý kiến… Theo đồng chí Đỗ Văn Đương: Làm dân nguyện cũng góp phần thúc đẩy việc thực hiện công tác dân vận chính quyền vì Ban Dân nguyện phải tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị với các tỉnh, thành, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, ở đây cũng đặt ra vấn đề chưa có cơ chế pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện kiến nghị sau giám sát. Bên cạnh đó, thông qua giám sát việc thực hiện Luật tiếp công dân, thì có một tỷ lệ không nhỏ Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trên cả nước không trực tiếp tham gia tiếp công dân định kỳ theo quy định…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận những kết quả đã đạt được của Ban Dân nguyện trong quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 25. Nhờ đó, nhận thức về công tác dân vận, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận đã có nhiều đổi mới so với trước đây. Đạo đức công vụ, trách nhiệm làm công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được nâng lên. Trách nhiệm thực hiện công tác dân vận đã thể hiện rõ nét, nhất là gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; các báo cáo, tham mưu của Ban Dân nguyện đã giúp Đảng Đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể chế hóa, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về công tác dân vận và Hiến pháp, pháp luật để bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đáp ứng nguyện vọng đúng đắn của cử tri... Qua những việc làm thực tế, cụ thể đã củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Hà Ngọc Anh cũng yêu cầu Ban Dân nguyện tiếp thu những ý kiến phát biểu, gợi mở của Đoàn công tác để tham mưu Đảng đoàn Quốc hội hoàn thiện Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Trong thời gian tới, đồng chí Hà Ngọc Anh mong muốn Ban Dân nguyện tiếp tục quán triệt, thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 25 về công tác dân vận. Phát huy, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật sát thực tiễn, được nhân dân ủng hộ, nhất là luật pháp trong lĩnh vực dân vận, là khung pháp lý để cả hệ thống chính trị thực hiện. Bên cạnh đó cần tham mưu, tăng cường công tác phối hợp hoạt động giữa Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Quốc hội; giữa Vụ Dân nguyện và Vụ Dân vận của các cơ quan Nhà nước.

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất