Chủ Nhật, 5/1/2025
Giao ban công tác dân vận các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng 6 tháng đầu năm 2018

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham gia chủ trì có các đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tham dự có các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy trong khu vực; Ban Dân vận Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương; các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo Quân chủng Hải quân, Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; các ban, sở, ngành, lực lượng vũ trang, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo ban dân vận cấp ủy các địa phương của tỉnh Quảng Ninh.


 Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã khẳng định vai trò, sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận ở địa phương, nhất là công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại với nhân dân, tập trung giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân; tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát đột xuất…

Theo Báo cáo và phát biểu thảo luận tại Hội nghị, khu vực đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh, được coi là một trong 3 cực tăng trưởng cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao so với mặt bằng chung của khu vực lân cận và cả nước, nhiều tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách và có đóng góp quan trọng với Trung ương; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, thu hút đầu tư tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân; là khu vực đi đầu trong việc vận động người dân, chính quyền và doanh nghiệp thực hiện tích tụ ruộng đất, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao; khu vực có nhiều đơn vị cấp xã, huyện đạt chuẩn xã, huyện nông thôn mới dẫn đầu cả nước… 6 tháng đầu năm 2018, hầu hết các tỉnh, thành phố trong khu vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, toàn diện, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt mức đề ra.


  Đồng chí Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực phát biểu chỉ đạo
Hội nghị giao ban công tác dân tộc, tôn giáo

 

Công tác dân vận của hệ thống chính trị các tỉnh, thành trong khu vực có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, chính quyền chú trọng hơn đến việc cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết trong lãnh đạo, điều hành về công tác dân vận; chỉ đạo tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân. Việc triển khai thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân được các cấp ủy, chính quyền chú trọng triển khai, thực hiện. UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 30 cuộc đối thoại liên quan đến những vấn đề nhân dân quan tâm. Tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm đã tổ chức 380 cuộc đối thoại. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố đã có cuộc đối thoại với 550 đại biểu và hàng trăm CNLĐ đang làm việc tại các KCN và khu chế xuất. Cấp ủy địa phương, đơn vị chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn.

Công tác dân vận của chính quyền đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là trên các lĩnh vực hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân. Tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình đã xây dựng Trung tâm hành chính công đến cấp huyện; tỉnh Bắc Ninh tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, thực hiện 335 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và 1.070 thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích…; tỉnh Hà Nam xây dựng Trung tâm cấp tỉnh và 04 huyện, thành phố. Tỉnh Hưng Yên xây dựng Trung tâm hành chính công cấp tỉnh. Tất cả các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai các văn bản thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác dân vận; có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, đơn vị. Lực lượng vũ trang đã triển khai thực hiện tốt công tác dân vận trong nghiệp vụ và trong mối quan hệ với nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đã phát huy vai trò tham mưu và nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào, các cuộc vận động, tích cực vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia hưởng ứng, thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Thái Bình có tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới rất cao, từ 70% đến 86%. Tỉnh Vĩnh Phúc có 2 huyện đạt huyện Nông thôn mới và 77/112 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Bắc Ninh có 82/99 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...

Hoạt động của MTTQ, các đoàn thể có nhiều đổi mới, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, thiết thực cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên. Tỉnh Hải Dương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực phát động các tổ chức thành viên, các đoàn viên, hội viên quan tâm tới công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Tỉnh Ninh Bình, các tổ chức đoàn thể đã thành lập 33 tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp. Tỉnh Hưng Yên phát triển được 3.000 đoàn viên, thành lập mới 19 công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước tại các khu công nghiệp

Công tác tôn giáo, dân tộc trong khu vực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đội ngũ cán bộ dân vận các cấp tiếp tục được quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao về nghiệp vụ và kỹ năng công tác; chủ động sáng tạo trong hoạt động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ngày càng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy về công tác dân vận.

Tuy nhiên, công tác dân vận 6 tháng đầu năm trong khu vực còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: Việc nắm bắt, phản ánh tình hình, tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân có lúc chưa kịp thời; chưa tham mưu với cấp ủy, chính quyền được nhiều giải pháp thiết thực, nhất là những vấn đề về công tác dân tộc, tôn giáo, công nhân lao động trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức về công tác dân vận chính quyền của một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được đòi hỏi trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị chưa được thường xuyên, liên tục.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác dân vận ở địa phương, đơn vị; đồng thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác dân vận của các tỉnh thành trong khu vực, đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Những kết quả đạt được thời gian qua của các tỉnh, thành trong khu vực là tương đối toàn diện, nhận thức về công tác dân vận là thống nhất, đồng bộ. Các cấp ủy tập trung vào những vấn đề lớn chỉ đạo thực hiện. Công tác tham mưu của ban dân vận cấp ủy có chuyển biến tích cực, triển khai các văn bản mới liên quan đến công tác dân vận một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản đang triển khai để chỉ đạo thực tiễn trên địa bàn. Các tỉnh, thành trong khu vực đều xây dựng được những mô hình “Dân vận khéo” phù hợp đặc thù, thế mạnh của địa phương, quan tâm nhân rộng, biểu dương các điển hình “Dân vận khéo”. Trên cơ sở đó đã thúc đẩy cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó chính là thành công của công tác tham mưu.

Công tác dân vận chính quyền được thể hiện rõ nét. Thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, các tỉnh, thành trong khu vực đều có chương trình phối hợp với Ban cán sự đảng UBND, tập trung cụ thể hóa các nội dung trong chương trình phối hợp. Nhiều địa phương đã có kết quả cụ thể trong thực hiện “Năm dân vận chính quyền”. Qua đó tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền với người dân; mối quan hệ giữa ban dân vận cấp ủy và ban cán sự đảng UBND thêm gắn bó chặt chẽ.

Tiếp tục quan tâm đổi mới phương thức công tác dân vận, đối thoại là một trong những phương thức rất hiệu quả ở các cấp mà địa phương nào cũng thực hiện. Việc đổi mới phương thức công tác được gắn liền với triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc đối thoại, tiếp dân, cải cách hành chính, giải quyết điểm nóng đều gắn với thực tiễn trên từng địa bàn. Nâng cao chất lượng cán bộ, trong đó có tập huấn cán bộ được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Cơ chế phối hợp thực hiện công tác dân vận do cấp ủy chỉ đạo được các địa phương thực hiện nền nếp, có sáng tạo.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được các tỉnh, thành trong khu vực đẩy mạnh thực hiện và đạt những kết quả quan trọng, đây chính là thước đo cải thiện cuộc sống của người dân.

Về nhiệm vụ công tác dân vận thời gian tới, nhất là trong 6 tháng cuối năm, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tập trung vào những nội dung:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu các văn bản của Đảng liên quan đến công tác dân vận. Tăng cường kiểm tra đánh giá việc triển khai thực hiện, qua đó tiếp tục góp phần làm thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị về công tác dân vận dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, kiểm tra chương trình phối hợp với Ban cán sự đảng UBND, trọng tâm là công tác dân vận của chính quyền. Tập trung kiểm tra việc tổ chức thực thi pháp luật; phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, tiếp thu ý kiến của nhân dân; cải cách hành chính; đạo đức công vụ.

Thứ ba, tham mưu tiếp tục góp phần giải quyết điểm nóng, phức tạp, khiếu kiện đông người ở một số địa phương trong khu vực.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức công tác dân vận, chủ động nắm tình hình nhân dân, trong đó có công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp, lực lượng trẻ, để tham mưu cho cấp ủy các vấn đề đặt ra hiện nay.

Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, các chỉ số kinh tế - xã hội nước ta những tháng đầu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo; các chỉ số về phòng chống tham nhũng và đổi mới sáng tạo được quốc tế đánh giá cao. Điều đó cho chúng ta niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hy vọng vào những thành tựu phát triển mới của đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đi lên, những thách thức xã hội với công tác dân vận cũng ngày càng lớn, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường quan tâm xử lý các vấn đề về phân hóa giàu – nghèo; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền; nguồn lực để giải quyết chính sách an sinh, xã hội; những vấn đề phải đối mặt trong quá trình phát triển đô thị như ùn tắc giao thông, lao động nhập cư, môi trường... Vì vậy, trong công tác dân vận, cần phải nhìn nhận, phân tích, đánh giá bằng các chỉ số kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những chủ trương, quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp, có chiều sâu, tạo đồng thuận xã hội, hòa hợp lòng dân ý Đảng; thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển bền vững của địa phương và đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Chiều cùng ngày diễn ra Hội nghị giao ban công tác dân tộc, tôn giáo khu vực 6 tháng đầu năm 2018.

Phương Thủy

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất