Thứ Năm, 19/9/2024
Giao ban công tác dân vận khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương năm 2018

 Quang cảnh Hội nghị

Nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận tiếp tục được nâng cao

Phát biểu khai mạc và định hướng Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu các đại biểu trên cơ sở Dự thảo Báo cáo kết quả công tác dân vận của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 do Ban Dân vận Trung ương dự thảo, phát biểu bám sát và làm rõ 3 vấn đề trọng tâm: Những đổi mới của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2018; những thách thức, khó khăn đang đặt ra và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019.

Nhân dịp này, đồng chí Trương Thị Mai đã cung cấp khái quát kết quả nổi bật của công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo năm 2018 trong báo cáo Bộ Chính trị, đó là: (1) Quan điểm về công tác dân vận tiếp tục được nâng cao, dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng - Đây là những cơ sở quan trọng để tiếp tục tăng cường thực hiện công tác dân vận của Đảng và khối MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò rất quan trọng. (2) Nâng cao được trách nhiệm, nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, lực lượng vũ trang đối với công tác dân vận. Công tác dân vận đến nay không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà là nhu cầu tự thân. Bởi nếu không làm dân vận, không vận động dân, thì sẽ không triển khai được đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. (3) Công tác dân vận của Nhà nước có nhiều đổi mới, cả về phương pháp, phong cách, theo phương châm: “Gần dân, trọng dân, phục vụ dân”. Trong đó, Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục mang lại nhiều niềm tin của người dân với cơ quan dân cử. Chính phủ, chính quyền các địa phương đã phối hợp thực hiện tốt Năm dân vận chính quyền 2018... (4) MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục được kiện toàn, phát triển, nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tăng cường giám sát, phản biện, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; góp phần xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, “điểm nóng”... Đồng chí Trương Thị Mai cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác dân vận năm 2018 để các tổ chức nghiên cứu, rút kinh nghiệm, khắc phục trong năm 2019.

Hội nghị đã được nghe 06 ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Các phát biểu thống nhất khẳng định năm 2018, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ hết sức to lớn, thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. “Đến thời điểm này, các cơ chế cụ thể hóa các luật, các điều kiện để hoạt động của MTTQ từ Trung ương đến địa phương đã hoàn thiện, từ các nghị quyết liên tịch đến các quy định, thông tư hướng dẫn chế độ, chính sách, cơ chế làm việc. Đây là những điều kiện hết sức cần và đủ cho hoạt động của MTTQ. Với sự quan tâm, các chủ trương của Đảng, hành lang pháp lý của Nhà nước ngày càng đầy đủ, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình tốt hơn…” - đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định tại Hội nghị.


 Đồng chí Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu cũng thống nhất nhận định: Công tác vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng đi vào chiều sâu, trực tiếp, thiết thực hơn. Chất lượng tổ chức, cán bộ được nâng lên, các phong trào thi đua được tổ chức sâu rộng, thực tế, gắn với các nhiệm vụ chính trị được giao và các mục tiêu xây dựng phát triển đất nước mà của Đảng, Nhà nước, các địa phương đề ra. Hoạt động phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn…

Thống nhất với 08 nhiệm vụ trọng tâm Dự thảo Báo cáo đề ra trong năm 2019, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn; trên cơ sở đó đưa ra những đóng góp, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương để có phương hướng chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao trong năm 2019. Nhiều ý kiến đề xuất: Tiếp tục thực hiện Năm dân vận chính quyền 2019, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo việc tiếp dân, tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết những bức xúc trong Nhân dân. Có cơ chế, biện pháp nắm tình hình Nhân dân thường xuyên hơn, sâu sát hơn; Trung ương có hướng dẫn để thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, nhất là các Nghị quyết Trung ương 6, 7. Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cấp ủy quan tâm, sâu sát đến công tác cán bộ chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp; quan tâm lãnh đạo hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, nhất là ở cơ sở, thôn, khu phố, theo hướng giao việc, giao kinh phí; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc thực hiện các cam kết, vấn đề liên quan đến việc Việt Nam gia nhập CPTPP …

Tiếp tục làm được nhiều việc hơn nữa cho Nhân dân, cho Đảng

Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2018: MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường hướng về cơ sở, sát với nhiệm vụ chính trị được Đảng giao, đóng góp tích cực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại; tạo sự đồng thuận, mở rộng dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền; trên cơ sở đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. 


 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp Nhân dân làm trọng tâm hoạt động. Công tác nắm tình hình Nhân dân tiếp tục được đổi mới với nhiều giải pháp tích cực hơn, kịp thời hơn; đặc biệt là đối với những địa bàn dễ phát sinh “điểm nóng”, phức tạp. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục có sự đổi mới phù hợp với bối cảnh mới, thiết thực hơn, có nhiều mô hình, điển hình tác động tích cực đến đời sống xã hội, lay động lòng người, góp phần đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo”. Toàn khối tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 và Chỉ thị 05 (khóa XII). Nhiều tổ chức đã tiếp cận, sử dụng những phương thức tuyên truyền, vận động, nắm tình hình Nhân dân hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thế giới…

“Dù chúng ta đã nỗ lực làm nhiều việc nhưng vẫn chưa đủ. Để củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp Nhân dân còn rất rất nhiều việc phải làm” - thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới không chủ quan với những kết quả đạt được, bên cạnh các nhiệm vụ đề ra cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm là:

Tăng cường công tác nắm tình hình Nhân dân, thông qua nhiều kênh khác nhau, có đánh giá, tham mưu giải pháp sát hợp với thực tế. Quan tâm, phối hợp chặt chẽ, đặc biệt với chính quyền các cấp để giải quyết hài hòa lợi ích chính đáng giữa Nhân dân với lợi ích của cộng đồng, đất nước.

Thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ cho lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Trong đó thực hiện tốt các biện pháp như: Vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giải pháp, phù hợp với đối tượng của từng tổ chức; tăng cường phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua mạng xã hội. Giám sát và phản biện xã hội, lựa chọn những vấn đề chính, quan trọng để thực hiện phản biện; tạo điều kiện để Nhân dân tham gia giám sát Đảng, chính quyền và để Nhân dân tham gia quá trình quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống bản thân đã được nghị quyết của Đảng và quy định của pháp luật cho phép. Không ngừng đổi mới, tham gia chuẩn bị tốt các điều kiện để cùng đất nước thực hiện các công ước, hiệp định thương mại quốc tế đã ký kết, đặc biệt là CPTTP; hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến các tầng lớp Nhân dân.

Trong thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần bảo đảm sự lãnh đạo xuyên suốt thống nhất, đồng bộ của hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Chuẩn bị tốt để năm 2019 Trung ương tổ chức sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết. Trong đó có tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức…

Nhân dịp năm mới 2019, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên của khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và yêu cần và mong muốn cả Khối tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục làm được nhiều việc hơn nữa cho Nhân dân, cho Đảng.

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất