Thứ Hai, 14/10/2024
Đồng chí Trương Thị Mai làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam

 Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ... Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh; các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Đảng đoàn; Nguyễn Thị Quỳnh Anh; các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng đoàn, lãnh đạo các Ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam… tiếp và làm việc với Đoàn.

Báo cáo của Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh tại buổi làm việc cho thấy: Trong những năm qua, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, văn bản, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến các tổ chức đảng, đảng viên, Đoàn Luật sư và luật sư trên cả nước để có nhận thức thống nhất và tổ chức, triển khai thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống được triển khai trong toàn Liên đoàn gắn với quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư và thực hiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của 63 Đoàn Luật sư tại 63 tỉnh, thành phố, với 13.074 luật sư thành viên, đang tham gia hành nghề chủ yếu tại hơn 4.000 tổ chức hành nghề luật sư trên cả nước (tính đến ngày 10/4/2019); đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; có chức năng đại diện, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư; đồng thời có trách nhiệm quan trọng xây dựng và duy trì các chuẩn mực đạo đức, quy tắc nghề nghiệp luật sư, bảo đảm tính độc lập và chất lượng dịch vụ pháp lý của nghề luật sư; thực hiện chế độ tự quản của luật sư theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. 

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị pháp lý do các cơ quan Đảng, Nhà nước giao phó. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng các Đoàn luật sư trên cả nước đã tích cực tổ chức, vận động luật sư tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát, tư vấn pháp luật, nghiên cứu khoa học và trợ giúp pháp lý, tiếp công dân và tư vấn giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, tham gia đấu tranh pháp lý quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng thực hiện tốt việc tự quản luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn… Hầu hết các dự thảo luật, văn bản pháp luật quan trọng do các cơ quan Nhà nước chủ trì, thẩm định đều đề nghị và được Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu, có ý kiến đóng góp. Trong giai đoạn 2014 – 2018, các Đoàn Luật sư đã cử luật sư tham gia bào chữa chỉ định theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng cho 32.765 vụ việc; tham gia tư vấn pháp luật cho hơn 374 nghìn vụ việc; trợ giúp pháp lý đối với hơn 137 nghìn vụ việc. Từ năm 2015, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử hàng nghìn luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở Văn phòng tiếp dân Trung ương. Để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện. Các đại biểu dự làm việc đã đặt ra nhiều câu hỏi, thẳng thắn trao đổi, giải đáp góp phần làm rõ hơn thuận lợi, khó khăn, dự báo tình hình, kiến nghị, giải pháp cho hoạt động của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các luật sư trong thời gian tới.


 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận: Liên đoàn Luật sư Việt Nam tuy mới được thành lập từ tháng 5/2009 theo Quyết định số 76/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mới tròn 10 năm, nhưng đã nỗ lực rất lớn trong tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật sư hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần vào bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, xây dựng hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư pháp, giám sát, phản biện xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển… Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiều đóng góp cho hoạt động của các luật sư, Đoàn Luật sư, giúp khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của luật sư, tổ chức của luật sư đối với xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt là vào năm 2011 đã ban hành và đưa vào thực hiện Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới phát triển, hệ thống pháp luật, Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng hoàn thiện, nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn về luật pháp của người dân sẽ tiếp tục tăng lên, phạm vi hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày càng mở rộng, vai trò của luật sư ngày càng quan trọng; đang đặt ra cơ hội và yêu cầu tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư vừa có đạo đức, vừa chấp hành pháp luật tốt.


 Đồng chí Trương Thị Mai chụp ảnh với các đại biểu dự buổi làm việc

Trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai mong muốn Liên đoàn Luật sư Việt Nam bám sát chức năng, nhiệu vụ của tổ chức và nghề nghiệp luật sư đã được Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là Luật Luật sư quy định để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đội ngũ luật sư gương mẫu, tuân thủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Đánh giá cao Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhanh nhạy trong thông tin, tuyên truyền, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng mạng xã hội để chống phá; đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu việc quản lý luật sư của Liên đoàn nên dựa theo phương châm: “Bao quát, kịp thời, hiệu quả” và gợi mở: “Liên đoàn Luật sư Việt Nam xây dựng đội ngũ luật sư giỏi nghề, có kinh nghiệm, lâu năm, có đạo đức làm nòng cốt để dẫn dắt, đào tạo, giúp đỡ các luật sư trẻ, mới vào nghề”...

Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, coi đây là “Kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Liên đoàn Luật sư. Đặc biệt là tăng cường tập hợp, đoàn kết đội ngũ luật sư cả nước dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, tạo thành sức mạnh to lớn đóng góp cho quá trình phát triển của đất nước, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, làm cầu nối giữa Đảng với luật sư trong cả nước. Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, định hướng chính trị cho hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và hoạt động của các luật sư – đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác